Talkshow: Nghề sáng tạo nội dung trên thực tế là như thế nào? (P1)
Nếu bạn làm tốt ở một nền tảng, nó sẽ là bước đệm lớn cho những nền tảng khác.
Vừa rồi, các học viên của lớp Visible Creator đã được gặp gỡ hai khách mời cực kỳ đặc biệt mà Visible You mời đến để tham gia talkshow cùng chương trình Visible Creator. Hai diễn giả đều là những content creator kỳ cựu và đạt nhiều thành tựu trong sự nghiệp sáng tạo nội dung. Đó là:
Chị Hoàng Ngọc Diệp - Content Creator & Solopreneur
Founder Loveat1stshine - Blog & Youtube Channel về Beauty & Lifestyle
10 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung đa nền tảng trong mảng Lifestyle
3 năm liên tiếp đạt giải thưởng đối tác bán hàng của năm từ Lazada
Chị Hồng Phương - Content Creator & Filmmaker
Content creator tại Mera.cao
Production Leader tại Cấy Nền Radio
Founder dự án Insightful Creations
Filmmaker “Một đời như kẻ tìm đường”
Hai chị đã tới và chia sẻ rất nhiều kiến thức hay, có tính ứng dụng cao mà Visible You tin rằng có cũng sẽ hữu ích cho hành trình sáng tạo riêng của các bạn. Trong khuôn khổ bản tin tuần này, Visible You xin chia sẻ lại phần chia sẻ của chị Hồng Phương với chủ đề “sáng tạo và quản lý trong công việc sáng tạo nội dung”.
Cùng làm quen với diễn giả khách mời - Hồng Phương
Xin chào mọi người. Mình tên là Phương. Mình thực ra cũng mới bắt đầu con đường sáng tạo nội dung được khoảng hai năm, nhưng để mà nói thực sự tập trung thì được 1 năm thôi. Công việc sáng tạo nội dung là một công việc mà mình đã tìm kiếm rất lâu. Một công việc mà mình được tự do thể hiện những thế mạnh của mình, được hoạt động liên quan đến sáng tạo, nghệ thuật và chia sẻ với cộng đồng. Hy vọng sau những trải nghiệm, bài học vượt qua khó khăn, Phương có thể chia sẻ, hỗ trợ cho mọi người.
Đi tìm “điểm chạm”
Không biết bạn có bao giờ rơi vào tình trạng đã thử tạo nội dung nhưng chưa thực sự bứt phá và tạo dấu ấn chưa ạ?
Thực ra đây là vấn đề mà Phương cũng được lắng nghe từ rất nhiều người, kể cả những người mới bắt đầu tới những người đã có một khoảng thời gian làm trong nghề.
Phương có một từ khóa sẽ giúp bạn giải quyết được vấn đề này đó là “điểm chạm”. Điểm chạm ở đây nghĩa là sự nhất quán và liên quan. Đó là: Hiểu mình, hiểu người, hiểu nền tảng, hiểu xu hướng.
Sự nhất quán này ở đây nó sẽ cần từ: Bio cá nhân (phần giới thiệu ở đầu trang), âm thanh, các chi tiết xuất hiện trong nội dung, tương tác, caption, dùng hashtag gì, font chữ như thế nào, feedback, story, thông điệp, hay phong cách bạn cắt dựng một video ra sao, v.v…
Khi bạn mới bắt đầu, bạn sẽ thường chỉ tập trung vào nội dung, hoặc nền tảng, mà không tập trung những chi tiết nhỏ hơn. Bạn cần có những trải nghiệm và hiểu được tầm quan trọng của những chi tiết nhỏ như thế này. Bạn chỉ cần tập trung, kiên trì và làm một số lượng đủ nhiều thì nó sẽ đem đến cho bạn sự bứt phá.
Ngoài ra, Phương nghĩ khi làm sáng tạo nội dung, đặc biệt là những bạn làm tự do thì sẽ rất cô đơn. Vậy nên, bạn đừng quên sự kết nối cũng mở ra cho bạn rất nhiều cơ hội. Nhờ vậy mà bạn sẽ có những mối quan hệ sâu sắc ngoài đời, có những góp ý, có những dự án để hợp tác với nhau. Việc bạn tương tác với những creator có cùng ngách nội dung với mình là một điều rất quan trọng. Nó giúp bạn được người khác biết đến hơn, và cũng được nền tảng nhận biết là bạn đang ở trong nhóm nội dung này, để đề xuất bạn đến với những người xem tương tự với các bạn creator đó.
Sự nhất quán ở đây rất quan trọng, đặc biệt với Instagram và TikTok. Sự nhất quán trong từng chi tiết khi bạn quay dựng nó cũng ảnh hưởng đến sự phân phối của nền tảng. Nếu bạn chú ý theo dõi một vài video của một vài anh chị, bạn có thể thấy sự khác biệt giữa các video, sự thiếu đồng bộ, nhất quán thì lượng xem sẽ thấp hẳn. Dĩ nhiên, Phương nghĩ điều này sẽ chỉ quan trọng giai đoạn đầu thôi. Tức là giai đoạn đầu, bạn cần phải chia sẻ một số lượng nội dung đủ nhiều để nền tảng nhận biết được nhóm nội dung, góc quay, cảnh quay, giọng nói của kênh. Dần dần, nó đẩy nội dung của bạn lên newfeed, giúp nội dung tiếp cận tới các độc giả khác. Nhưng ngược lại, nếu bạn thay đổi, dù chỉ một chút, nền tảng sẽ chưa kịp nhận biết để tự động lan toả bài viết của bạn.
Khi bạn làm nội dung, từ việc lên ý tưởng cho đến quay dựng và đăng tải đều là một quá trình rất dài. Bạn phải làm nhiều đến nỗi biến mọi thứ thành bản năng. Còn không, bạn cần phải có một file ghi chép mọi thứ để đảm bảo được sự nhất quán. Như vậy, bạn mới có một sự bứt phá trong một khoảng thời gian ngắn được. Sự nhất quán yêu cầu sự tỉ mỉ và cẩn thận rất nhiều, nhưng Phương tin, nếu bạn làm tốt ở một nền tảng, nó sẽ là bước đệm lớn cho những nền tảng khác.
Tăng hiệu suất khi sáng tạo nội dung đa kênh
Phần thứ hai là vấn đề tăng hiệu suất khi tạo nội dung đa kênh. Với Phương, một từ khóa đấy rất quan trọng là “tài liệu hóa”. Việc bạn hình thành thói quen và có tư duy tài liệu hóa sẽ giúp cho bạn tiết kiệm thời gian và đơn giản hóa quy trình tạo nội dung. Nó giống như xây dựng một bộ nhớ thứ hai cho mình vậy.
Phương tạm gọi phương pháp này là “làm xỉ”. Tức bạn không cần phải tốn quá nhiều thời gian để tìm kiếm hay bắt đầu lại từ đầu khi bạn sáng tạo một mẩu nội dung mới.
Phương pháp “làm xỉ” là gì?
Thay vì việc hôm nay có ý tưởng thì Phương làm, Phương sẽ dành thời gian vào đầu tuần hoặc cuối tuần để lên nôi dung cho nguyên một tuần. Trong bảng kế hoạch của Phương sẽ có những cột thông tin như: mục đích nội dung, ý tưởng, cảnh quay là gì, v.v…
Với những cảnh quay, Phương sẽ ghi chú những khung hình Phương cần quay. Vào ngày quay, Phương sẽ chuẩn bị sẵn máy móc, quay những footage mà mình cần. Việc này hiệu quả với video ngắn.
Khi bạn ngồi trước ống kính máy quay, việc bạn khởi động năng lượng, tinh thần để vào một flow (trạng thái tập trung) sẽ cần ít nhất là 30 phút. Bởi vì ban đầu, bạn sẽ có thể nói bị vấp rất nhiều, hay bị nói lung tung, bị quên chi tiết này kia. Nhưng, bạn bắt đầu nói tiếp lần thứ hai, thứ ba, thứ tư sẽ rất dễ. Vậy nên, việc mỗi ngày đều quay thì sẽ mất rất nhiều thời gian để lên kịch bạn, cài đặt máy hay ngồi lấy năng lượng và tập trung. Bạn nên quay một lần nhiều với nhiều video. Với những bạn có mục tiêu làm video ngắn thì phương pháp này cực kỳ hiệu quả.
Tiếp theo, khi Phương tổ chức một folder lưu trữ thì Phương sẽ có phần loại và sắp xếp từng thể loại khung hình khác nhau. Ví dụ:
Folder những cảnh quay đi bộ, gõ bàn phím, đốt nến
Folder những cảnh quay rõ mặt như: những cảnh quay đọc sách, nhìn màn hình laptop
Folder những cảnh quay dọn dẹp
Folder cảnh quay ngoại cảnh
Nếu sắp xếp như vậy, khi mình cần video nào thì chỉ cần vào đây và lấy biên tập thôi, mình không cần phải quay mới. Thêm nữa, vì lượng khán giả mới luôn luôn có, cũng như là lượng khán giả cũ không phải khi nào họ cũng nhớ là mình đã đăng gì, nên việc bạn tái sử dụng footage hay là làm mới, tái sử dụng nội dung là hoàn toàn có thể được. Ngoài ra, đây cũng là yếu tố để nền tảng đọc và nhận ra phong cách nội dung của bạn.
Ngoài cảnh quay, Phương còn dùng những thứ bổ trợ như: phông chữ, nhạc nền, hiệu ứng âm thân, mình cũng sắp xếp vào riêng một folder. Mình cũng đỡ mất thời gian hơn rất so với nhiều trước đây.
Phương là một người kiểu khi nào cũng muốn mới, khi nào mình cũng luôn muốn sáng tạo. Nhưng mà sau này, khi mà mình hiểu được bản chất của nền tảng thì mình cũng cảm thấy là mình không cần phải luôn luôn mới, mình mà mới quá nó sẽ không kịp nhận diện cho mình. Đôi khi tự nhiên làm mới quá sẽ rất là hay “flop” (không ai chú ý”. Vậy nên, điều mình muốn nhắn nhủ là hãy cố gắng đi theo nhóm chủ đề, hay là phong cách ban đầu của mình.
Phương cũng dành thời gian biên tập, cắt dựng ít nhất là hai tuần một lần. Nếu biên tập xong, Phương sẽ lên lịch đăng và cứ sau khoảng 3 tháng, Phương sẽ tái sử dụng nội dung. Bạn có thể dùng Chat GPT hỗ trợ thêm nếu bạn làm đa nền tảng. Bạn đang có những bài viết dài trên newsletter, blog hay là trên fanpage, bạn hoàn toàn có thể tách ra thành những ý ngắn để làm cho video ngắn. Hoặc, bạn hoàn toàn có thể tái sử dụng những bài trên Instagram hay TikTok cho những nền tảng khác nhau để tiết kiệm thời gian.
Một lưu ý nữa, bạn nên lưu ý những video, nội dung được nhiều view nhất. Bạn hãy phân tích tại vì sao video này nhiều view, có chi tiết nào xuất hiện trong đấy. Hãy luôn cố gắng sao chép nó hoặc làm khác đi một chút xíu, đây cũng là một cách để mà nền tảng nhận biết mình tốt hơn và tăng độ hiển thị.
Đây là những cách đã giúp cho Phương tăng hiệu suất, tiết kiệm thời gian và đạt hiệu quả tăng trưởng trong quá trình sáng tạo nội dung, đặc biệt tạo nội dung đa nền tảng.
Bạn làm càng nhiều, bạn sẽ càng giỏi hơn trong việc biên tập, cắt dựng, lên ý tưởng, v.v... Phương nghĩ là số lượng nó sẽ tạo ra chất lượng, đặc biệt là về những kỹ năng của mình.
Kết nối với xung quanh
Thêm một lần nữa, Phương nhắc bạn không nên quên kết nối với mọi người nhiều hơn. Thực sự, Phương cũng là một người hướng nội, trước đây mình không có dám kết nối, hay đăng story, mình chỉ đăng bài thôi.
Nhưng sau này, mình nhận thấy được việc mình mở lòng, mình chia sẻ những điều đơn giản trong cuộc sống hàng ngày, nó giúp mình kết nối gần hơn, sâu sắc hơn với cộng đồng follower của mình. Từ khi mình nhận thức rõ được mục đích đó, mình tự nhiên tự tin hơn. Mình càng mở lòng nói những khuyết điểm hay những vấn đề của bản thân, mình càng nhận lại nhiều những chia sẻ chân thành từ các bạn ấy.
Ngoài ra, mình cũng tham gia Workshop, tham gia những cộng đồng thuộc các nhóm nội dung của mình để được kết nối và học hỏi với nhiều người hơn nữa. Phương nghĩ, việc bạn luôn tiếp thu và nâng cấp để thay đổi phù hợp với nền tảng cũng là một điều rất quan trọng, đặc biệt với những bạn làm tự do hay là làm việc độc lập.
---
Vậy là chúng ta đã được gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ cực kỳ quý báu mà chị Hồng Phương đã đúc rút được trong công việc sáng tạo nội dung của chính mình. Bạn cảm thấy đâu là bài học quan trọng và ấn tượng nhất thông qua những chia sẻ vừa rồi? Hãy comment cho Visible You biết nhé!
Giờ thì hẹn gặp bạn ở phần 02 của talkshow này với chia sẻ của chị Ngọc Diệp nha!
em nhận đc mail nên không hiểu chuyện gì luôn
Cho em hỏi talkshow này tổ chức khi nào vậy ạ? Em mới đăng ký trả phí cách đây 3 ngày và không biết gì về chương trình hết