Giữ chân độc giả bằng sợi dây nội dung nhất quán - Tặng bạn content strategy template
Hãy đưa cho độc giả một điểm neo và một lý do để ở lại
Những bài viết của Influencer thành công trên mạng xã hội không phải là sự ngẫu nhiên mà phần lớn nó thường được đi theo một sợi dây kết nối gọi là chiến lược và kế hoạch nội dung.
Bạn thử để ý trong các bài viết của họ, có phải luôn có sự liên quan, gắn kết, không thì chí ít luôn gợi nhắc tới một, một vài từ khóa, chủ đề nhất định. Đó chính là cách Influencer đưa người hâm mộ cuốn vào vòng xoáy thông tin và khiến bạn nhớ về thương hiệu của họ.
Chúng ta có thể mô phỏng bản kế hoạch này như tấm bản đồ đi tìm kho báu vậy. Nó sẽ bao gồm nhiều chặng đường và nội dung sẽ giúp độc giả giải quyết những trở ngại trên những chặng đường đó. Và để đi được tới vạch đích, độc giả sẽ theo dõi và đón đọc những thông tin mà Influencer đưa ra. Cứ như thế, Influencer sẽ đồng hành hoặc dẫn đường cho người hâm mộ, và ngược lại, độc giả sẽ đón chờ, cùng Influencer trải nghiệm và chinh phục những mục tiêu mới.
Hãy đưa cho độc giả một điểm neo và một lý do để ở lại
Có nhiều người đã thu hút được lượng lớn người theo dõi mà không cần làm việc với chiến lược hay kế hoạch gì cả. Tuy nhiên, sau một thời gian 6 tháng - 1 năm, đa số họ đều bị chững, không thể phát triển, thậm chí là thất bại trong hành trình tạo ảnh hưởng. Điều này ít nhiều có liên quan tới sự vắng mặt của của bản kế hoạch. Một vài tình trạng khi không có kế hoạch nội dung như sau:
Cạn kiệt ý tưởng sau một thời gian chia sẻ vì không kế hoạch, bạn không biết chặng đường tiếp theo sẽ là gì.
Chất lượng nội dung không đều, lúc chất lượng cao mang tới nhiều thông điệp, lúc thì lan man không giải quyết vấn đề, khi dài, khi cụt ngủn, thậm chí trùng lặp. Đó là vì không kế hoạch, không có cái nhìn hoàn chỉnh, toàn cảnh để có thể phân bổ và điều chỉnh.
Khi thì lên bài đều đặn, khi thì bỏ ngỏ cả một thời gian dài vì không có kế hoạch, bạn không có cho mình một bản đồ lại càng không đưa mình vào một cam kết cụ thể.
Không có kế hoạch, bạn hoàn toàn không có thông tin lưu trữ để đánh giá độ chính xác của các dự đoán, mức độ hiểu quả của các nội dung. Bạn không có căn cứ để phát triển tiếp các loại nội dung phù hợp với kênh và thị hiếu của người hâm mộ.
Không có kế hoạch, bạn không biết sẽ đưa độc giả đi tới đâu. Độc giả cũng không có điểm neo, không có sự hứa hẹn để ở lại. Bên cạnh đó, nội dung cũng trùng lặp, không mới mẻ, chẳng sáng tạo gì hơn, họ lại càng thêm lý do để rời bỏ thương hiệu của bạn.
Để không gặp tình trạng như trên, bạn có thể cân nhắc việc xây dựng ngay cho mình một kế hoạch nội dung cơ bản. Thông thường, một chiến lược nội dung sẽ được lên theo những bước sau:
Bước 1: Hoạch định chiến lược dài hạn 1 tới 3 năm để có cái nhìn tổng quát về hình ảnh, thông tin mà thương hiệu đang hướng tới. Chiến lược này cũng sẽ nhắc nhở bạn về sự nhất quán và thống nhất về cả hình ảnh và thông điệp xuyên suốt hành trình chia sẻ và tạo dựng sức ảnh hưởng.
Bước 2: Bạn tiếp tục chia nhỏ chiến lược này thành các giai đoạn ngắn hơn (6 tháng - 1 năm). Bước này tập trung tách nhỏ mục tiêu, thông điệp lớn, đi vào cụ thể rằng, bạn sẽ cũng cấp thông tin, giải quyết vấn đề gì cho độc giả, dự định giải quyết nó trong vòng bao lâu.
Mỗi một vấn đề sẽ tương ứng với một giai đoạn. Bước này giúp bạn không bị bỏ sót vấn đề, nội dung lớn, nổi cộm mà độc giả đang quan tâm hoặc cần tham khảo. Đồng thời, bạn cũng sẽ dễ dàng linh hoạt thay đổi nếu có bất cứ điều gì phát sinh trong tương lai.
Bước 3: Vẽ bức tranh nội dung một cách chi tiết hơn bằng timeline với các chủ đề cụ thể trong thời gian xác định sẵn trong vòng 3 - 6 tháng. Việc này khiến bạn cảm thấy dễ thở hơn khi thực hiện nhiệm vụ sáng tạo nội dung. Mỗi ngày mở mắt dậy, bạn đều biết mình sẽ cần viết chủ đề gì, tìm kiếm thông tin ở đâu và có thể bắt tay vào thực hiện ngay mà vẫn duy trì được sự nhất quán trong mặt hình ảnh và thông điệp thương hiệu.
Ví dụ, Visible You lấy một ví dụ về một cô giáo dạy IELTS 10 năm kinh nghiệm đang muốn xây dựng cộng đồng, tạo ảnh hưởng. Sau khi ngồi làm việc, mục tiêu được xác định như sau: Xây dựng hình ảnh Teacher Trainer (Người đào tạo giáo viên) trong giới IELTS.
Đối với mục tiêu nội dung ngắn hạn theo giai đoạn, chúng ta có thể phân chia và giải quyết vấn độc giả như sau:
Giai đoạn 1: Tâm lý và kiến thức cơ bản để trở thành giáo viên đào tạo giảng dạy IELTS dành cho fresher.
Giai đoạn 2: Vượt qua khó khăn, chinh phục thách thức để trở thành junior trong giới giảng dạy IELTS
Giai đoạn 3: Mở rộng quy mô lớp học và doanh thu cho các thầy cô đã là senior
Mẹo: Hình ảnh và việc phân chia các giai đoạn có thể bám sát vào hành trình, thời gian tương ứng cho sự thay đổi, phát triển của công việc và cuộc sống.
Bản kế hoạch nội dung thường có gì?
Thông thường, một kế hoạch nội dung cơ bản gồm có các yếu tố sau:
Giai đoạn: Mốc thời gian cho từng giai đoạn, mỗi giai đoạn sẽ tương ứng với từng mục tiêu, từng vấn đề mà bạn muốn giải quyết trong bảng chiến lược nội dung.
Mục tiêu: Đây sẽ thường là nơi thiết đặt mục tiêu mà bạn sẽ theo đuổi hoặc là câu hỏi mà bạn muốn giải quyết cho khán giả. Đây thường là những vấn đề lớn, mang tính bao quát và vĩ mô mà cần nhiều bài viết mới có thể làm rõ. Ví dụ đã phân chia từng mục tiêu tương ứng với từng chặng trong lộ trình trở thành giáo viên IELTS và bằng những bài viết, bạn sẽ đồng hành độc giả của mình chinh phục từng chặng đường đó.
Chủ đề: Tên, chủ đề, ý tưởng lớn của từng bài viết. Thường thì cột này sẽ là nơi ghi lại những ý tưởng lớn mà bạn dự kiến viết cho bài đăng đó. Hoặc là vấn đề mà tôi muốn đào sâu phân tích. Nó hiếm khi là tên của bài viết, bởi vì thường sau khi viết xong tôi mới đặt tên cho bài viết. Như vậy, tôi sẽ có cái tên phù hợp với nội dung, góc tiếp cận và giọng điệu của bài viết hơn.
Nguồn tham khảo: Trước khi viết bài, bạn có thể google tất cả các bài viết cùng chủ đề hoặc đọc thêm sách có liên quan. Một là để có thêm thông tin làm dẫn chứng và chất liệu. Hai là để tham khảo góc độ tiếp cận và cách thức triển khai rồi xem bản thân có thể làm khác với họ không? Hoặc đôi khi, bạn sẽ bắt gặp một bài viết hay, thông tin đắt giá ở cuốn sách nào đó mà phù hợp với chủ đề mà bạn dự định viết thì hãy đặt link bài đó, ghi chú số trang sách đó vào cột này để phục vụ khi viết bài.
Nội dung bài viết: Nếu bạn có thể sắp xếp thời gian thì hãy thử áp dụng phương pháo viết batch writing. Thay vì viết từng bài, bạn sẽ dành 1 - 2 ngày viết liên tục và hoàn thành tất cả các bài viết cho một tháng, 1 khoảng thời gian nào đó. Cách làm này giúp bạn tập trung sâu và tiết kiệm rất nhiều thời gian. Bạn không phải lo lắng giữa việc thay đổi giọng điệu giữa các thể loại, chủ đề hay phải lấy hơi, bắt đầu lại vào mạch viết nữa. Hơn nữa, phương pháp batch writing sẽ giúp bạn không còn bị deadline rượt hay không có bài đăng mỗi khi phát sinh sự cố. Vì chí ít thì mình cũng đã có bản nháp. Vì tính tiện dụng như tự động sửa lỗi chính tả, linh hoạt lưu trữ đám mây, dễ dàng khi tìm kiếm, Visible You khuyên bạn nên dùng google doc, notion hoặc phần mềm viết, lưu trữ văn bản online để viết tất cả các nội dung và khi viết xong thì đặt đường link bài viết vào cột này. Và cứ để những đường link đó sau một vài ngày hoặc cho tới khi chỉ còn vài ngày trước khi đăng tải, bạn hãy quay lại truy cập đường link mình cần biên tập, chỉnh sửa một lần nữa trước khi đăng tải.
Hình ảnh: Chủ yếu sẽ là mô tả ý tưởng để bạn thiết kế hình ảnh, hoặc góc chụp, các cảnh quay cần thiết cho video. Đôi khi là ảnh của bạn chụp bằng điện thoại thì bạn có thể ghi chú ngày chụp, chụp ở đâu, ảnh đó như thế nào.
Kênh: Cột này sẽ là nơi thiết đặt bài viết sẽ đăng tải ở đâu, kênh nào. Nếu bạn sử dụng 2-3 nền tảng thì sẽ đánh dấu hoặc ghi rõ ràng nền tảng nào để không bị trùng lặp hoặc lộn xộn. Có như vậy thì mỗi khi cần đăng bài, bạn sẽ chỉ xem bản kế hoạch, copy bài đăng ở cột nội dung và kiểm tra xem mình đăng ở đâu, mở nền tảng đó ra, đăng tải. Vậy là hoàn thành việc chia sẻ.
Thời gian đăng tải: Đây là khoảng thời gian cụ thể để đăng tải bài viết của bạn. Khung thông tin này cho phép bạn kiểm tra và biết hôm nay, khi nào mình phải chia sẻ gì và chủ động chuẩn bị cho việc sản xuất nội dung. Có một vài bảng nội dung sẽ cài đặt chi tiết hơn với chính xác từng giờ đăng. Bạn cũng có thể cân nhắc thêm cột thông tin này cho bảng nội dung của mình. Mốc thời gian này thường sẽ được đặt dựa vào thời gian mà độc giả của bạn online nhiều nhất trên mạng xã hội, chủ yếu là để thu hút tương tác và tiếp cận được nhiều độc giả nhất.
Ví dụ: Độc giả của người giáo viên dạy IELTS chủ yếu là giáo viên trẻ, họ thường online vào 12 giờ trưa (sau khi ăn trưa xong) và 10 giờ tối (sau tiết dạy học). Đây cũng là khoảng thời gian mà fanpage của họ nhận được nhiều lượt tương tác nhất, vì thế chúng tôi sẽ thường cập nhật bài viết cố định trong khoảng hai khung giờ này. Để biết được điều này, bạn cần biết cách quan sát và tìm hiểu kỹ về thói quen, hành vi của độc giả/khán giả/người theo dõi bạn. Nếu bạn quan tâm, hãy cho Visible You biết để chúng mình thêm động lực lên bài về chủ đề này nhé.
Tình trạng bài viết: Đây là cột thông tin giúp bạn nắm bắt chính xác tiến trình sản xuất nội dung. Để mỗi lần mở lịch nội dung, bạn sẽ biết được ngay hôm nay mình có cần đăng bài không, bài viết của bạn đang như thế nào, có cần phải dành thời gian để hoàn thành bước nào không,... từ đó có sự điều chỉnh kịp thời trong việc sản xuất. Thường cột này sẽ được phân loại và ký hiệu như sau: bạn đang viết dở bản nháp (đang viết), viết xong bản nháp nhưng chưa biên tập (đang biên tập), đã viết và biên tập xong nhưng chưa đăng (đã hoàn thành), đã đăng tải (đã đăng).
Nếu bạn cũng đang loay hoay với chiến lược, kế hoạch nội dung, hoặc mới tiếp cận công việc tạo ảnh hưởng, Visible You xin tặng bạn tham khảo bản kế hoạch nội dung mẫu. Đây là mẫu nội dung thường được Visible You sử dụng khi sản xuất nội dung cho bản tin và chính khách hàng của mình. Hãy nói cho chúng mình biết rằng nếu bạn đang cần nó.
Visible You muốn Lưu ý rằng đây không phải là bản kế hoạch nội dung mẫu duy nhất hoặc tối ưu nhất , thay vào đó các bạn cũng có thể sáng tạo và thêm những đầu mục theo nhu cầu của bản thân cần theo dõi.
Ngoài ra, Visible You cũng bật mí thêm hai tác giả của bản tin Visible You - Linh Phan và Mina sẽ tham gia chia sẻ về "Tận dụng sức ảnh hưởng trong sự nghiệp Freelance của cộng đồng A freelance doer vào ngày 03/11. Tại đây, team Visible You sẽ chia sẻ và giúp bạn giải quyết:
Kiến thức về Influencer và Influencer Marketing. Xoá bỏ những ngộ nhận thông thường của chúng ta về việc tạo dựng sự ảnh hưởng.
Chia sẻ những câu chuyện thực tế để cho thấy Influencer Marketing có ý nghĩa thế nào với Freelancer
Sau khi hiểu rõ, bạn sẽ được hướng dẫn một lộ trình cơ bản để bắt đầu tạo dựng sự ảnh hưởng và tận dụng nó để phát triển sự nghiệp freelancing của mình.
Visible You hi vọng có thể gặp bạn tại workshop.
uầy, kể mà nhận đc email này sớm hơn Mina ạ :))). Hôm nọ chị cũng hì hụi lập bảng... để đi bổ sung thêm mấy cột như gợi ý của TVI 😉
“bạn cần biết cách quan sát và tìm hiểu kỹ về thói quen, hành vi của độc giả/khán giả/người theo dõi bạn. Nếu bạn quan tâm, hãy cho TVI biết để chúng mình thêm động lực lên bài về chủ đề này nhé” => kiu kiu bài viết của em. Chị quan tâm thêm về chủ đề này nhé!