Gặp gỡ chuyên gia Trang Đoàn và bàn về storytelling trong chuyện làm thương hiệu
Storytelling là làm mới, trau dồi bản thân và chân thành chia sẻ những chất liệu mà mình sở hữu.
Kể chuyện là một nghệ thuật cổ điển, một phương tiện mạnh mẽ để chia sẻ kinh nghiệm, giáo dục và gợi cảm xúc. Tuy nhiên, trong thời đại hiện đại này, storytelling không chỉ là một câu chuyện đơn thuần mà đã trở thành một công cụ quan trọng trong việc tạo dựng thương hiệu, truyền tải thông điệp và tạo động lực.
Chúng ta đã thấy sự thành công của các công ty và cá nhân sử dụng storytelling để tạo niềm tin, truyền cảm hứng và gắn kết khán giả. Chính vì vậy, Visible You đã có cuộc phỏng vấn với một chuyên gia về thương hiệu/Brand Experience Design - chị Trang Đoàn để tìm hiểu về storytelling và làm thế nào tạo ra những câu chuyện mạnh mẽ , ảnh hưởng đến đời sống của mọi người.
Mina: Chào chị Trang Đoàn, rất vui khi được gặp và trò chuyện cùng chị, xin mời chị giới thiệu về bản thân với độc giả nhé ạ.
Trang Đoàn: Chào Mina và độc giả của bản tin Visible You, mình là Trang Đoàn. Hiện đang theo đuổi về ngách Brand Experience Design cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và tiếp tục đầu tư các mô hình đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực làm đẹp và giáo dục. 10 năm kinh nghiệm truyền thông tiếp thị ở cả Inhouse trong nhiều tập đoàn, F&B.
Mina: Nghe chị giới thiệu thì em thấy chị đã trải qua rất nhiều vai trò và cả nhiều lĩnh vực khác nhau thì em tò tò đây có phải là lí do khiến chị muốn theo đuổi về ngách Brand Experience không?
Trang Đoàn: Thực ra, việc chị trải qua nhiều ngành với nhiều ngách như thế không phải là có chủ ý. Chị cũng giống như bao bạn trẻ khác và những người mới lập nghiệp khác. Mình luôn muốn trải nghiệm để tìm kiếm xem chuyên môn của mình phù hợp với ngành và ngách nào.
Hồi đấy còn trẻ nên lúc nào cũng khát khao tò mò và muốn khám phá sâu, sâu hơn nữa về những chuyên môn của mình và cả về nền truyền thông.
Và thực tế thì ở mỗi công ty, mỗi công việc, chị lại có những bài học đúc rút riêng cho mình. Những điều đấy nó cũng đã đi cùng mình đến suốt chặng đường sự nghiệp về sau. Nó cũng khiến cho mình có sự tổng hòa rất nhiều kỹ năng, nhiều tư duy và khả năng ứng biến, xoay xở trong công việc khá là tốt.
Mina: Trước khi chuyển sang tập trung hẳn về công việc Brand Experience Design thì em biết chị có thời gian dài gắn bó và thực hành storytelling, nhất là storytelling trong chuyện làm thương hiệu. Ngay cả bây giờ, em cũng vẫn thấy chị chia sẻ những câu chuyện hàng ngày tại trang cá nhân. Những trải nghiệm này có phải là chất liệu cho câu chuyện của chị và nó khiến những câu chuyện của chị có sức hút và có chiều sâu nhất định không?
Trang Đoàn: Chị nghĩ là cũng là một phần đấy. Khi mình có nhiều trải nghiệm đa dạng, trong nhiều ngành nghề thì khiến cho công việc cũng có nhiều màu sắc hơn, nhất là chuyên môn marketing.
Chính vì sự đa dạng như thế trong trải nghiệm, nên bản thân chị khi nhìn vào vấn đề gì, hay làm nội dung gì kể cả thương mại. Nội dung thương mại, người ta nghĩ đó sẽ là thứ khô khan và thuần túy mang tính bán hàng, nhưng vì mình có góc nhìn đa dạng như thế nên mình biến bài viết của mình trở nên mềm mại và nhiều màu sắc hơn.
Hay là khi mình chia sẻ với những người làm chủ doanh nghiệp, những bạn làm nghề, họ cũng cảm thấy mình có nhiều góc nhìn khác nhau, nhiều màu sắc khác nhau. Nó không bị phiến diện theo một kiểu như là mình ở lâu một chỗ thì mình chỉ cắm rễ thôi, chỉ nhìn thấy một mặt của vấn đề, thì đó cũng là một điều rất hay.
Mina: Thế thì từ khi nào chị nhận ra được rằng là chị nhận thức được là nên lồng ghép câu chuyện vào nội dung mà chị làm?
Trang Đoàn: Chị nghĩ là cái kỹ năng này của chị nó hình thành khi chị bắt đầu đi ra làm tư nhân, tức là khi chị có một cái business riêng. Chị làm việc với các cộng sự của chị. Chị không chỉ làm về mảng truyền thông và marketing nữa, mà chị còn phải làm về sale cũng như tư vấn cho khách hàng. Lúc đấy tự dưng mình có một cái góc nhìn rất thực tế, từ phía người khách hàng nhìn vào sản phẩm dịch vụ của mình, và những vấn đề của họ gặp phải.
Hồi đấy, mình đi từ một người làm bàn giấy, đi từ thương hiệu thì mình có một cái tư tưởng rất buồn cười. Chị nghĩ việc mình tạo ra sản phẩm và ở một thương hiệu lớn là mình có một quyền lực rất lớn.
Nhưng trên thực tế thì đối với khách hàng, nó không quan trọng và không to tát đến thế. Từ đó, chị có một cái nhìn đồng cảm hơn, một cái nhìn thực tế, sâu hơn về việc sản phẩm này phục vụ gì cho khách hàng. Trả lời câu hỏi: ý nghĩa tồn tại của sản phẩm dịch vụ này là gì? Rốt cuộc cũng là để phục vụ khách hàng mà thôi.
Vậy nên đến lúc đó, tự dưng nội dung của chị cũng thay đổi theo chính chiều hướng và góc nhìn của chị. Chị đều biến tất cả các bài viết trở nên giống như nội dung mà đang nói chuyện và trao đổi với khách hàng. Đơn giản là như thế thôi, giống như một cuộc trò chuyện ấy.
Chị kể lại những câu chuyện mà chị đã ngồi xuống với khách hàng thành văn viết. Chị ở cương vị của khách hàng, chị hiểu họ hơn, có sự đồng cảm và sự thấu cảm đối với họ, thì sợi dây kết nối của chị với khách hàng trở nên bền chặt hơn. Ngay cả khi chị đại diện cho nhãn hàng của mình, cho thương hiệu của mình để viết những cái nội dung đó, đang trên fanpage thì nó cũng gần gũi hơn rất nhiều.
Ngoài ra, qua tương tác của khách hàng đối với thương hiệu, chị thấy rằng họ có lắng nghe, họ có đọc. Ngay kể cả những cái bài viết rất dài chị rút ruột, rút gan ra viết, họ có đọc, và họ có một sự thấu hiểu đối với những lời mình nói.
Những nội dung chị viết như vậy, nó cũng rơi vào tầm khoảng 4-5 năm nay thôi, nó không phải quá là lâu đâu. Nhưng, nó đủ cho mình có một bước chuyển, đi từ một người viết thuần thương mại, ngồi sau bàn giấy và làm theo order, mình có một bước chân đi vào thực tế hơn. Mình biết cách đứng dưới góc độ của một người khách hàng, biết kể những câu chuyện có nhiều sự đồng cảm với khách hàng hơn. Mình thực sự mong muốn đem đến một sự giúp đỡ, và là một người có ích cho khách hàng của mình.
Vấn đề tương tác con người với con người ấy, kể chuyện cũng là một hình thức tương tác thôi, nó chỉ là chuyển từ cách này sang cách khác - Trang Đoàn
Mina: Thế theo cá nhân chị, làm thế nào để tiếp cận, lồng ghép được câu chuyện thực tế vào bài viết?
Chị nghĩ là vấn đề tương tác con người với con người ấy, kể chuyện cũng là một hình thức tương tác thôi, nó chỉ là chuyển từ cách này sang cách khác. Thay vì, tôi ngồi nói chuyện trực tiếp với người ta thì tôi nói lại những vấn đề đó trên một nhóm chung có cùng một mối quan tâm, chia theo từng giai đoạn.
Thực ra, chị rất thích nói chuyện với khách hàng, và đi tìm hiểu từ những người mà chị tin tưởng. Thông thường sau một thời gian, chị sẽ thấy nổi cộm lên một số vấn đề, chị list (liệt kê) ra và chị khai thác nó dưới dạng nội dung, chia sẻ qua các câu chuyện của chị. Đấy là cái cách mà chị đang khai thác vấn đề về các bài viết của chị.
Mina: Thế làm thế nào để chị khiến độc giả thấy thu hút bởi câu chuyện chị kể ạ, chị có tip/bí kíp nào muốn chia sẻ với các bạn độc giả không ạ?
Trang Đoàn: Thế mình nên nói về cách viết, viết như thế nào để người ta muốn lắng nghe mình đã.
Khi em viết một bài post mà làm thế nào khiến độc giản muốn ấn cái nút “see more” để đọc những dòng ở phía dưới em viết, thì đấy là cách viết nội dung, và cái cách đặt title và cách đặt vấn đề, làm thế nào để cho người ta cảm thấy đủ hấp dẫn.
Về vấn đề đủ hấp dẫn, mình có thể làm theo 2 kiểu mà chị hay thường áp dụng:
Thứ nhất là ngày xưa, chị hay áp dụng cách giật tít. Đấy là một kiểu khiến cho người ta bị sốc, người ta muốn tìm hiểu xem là có cái gì mới lạ đang diễn ra. Tâm lý đám đông như thế là một điều rất thường gặp rồi. Nhưng cách này thì chị ít dùng rồi, cùng lắm chị mang ra dùng để vui vui thôi
Còn một kiểu thứ 2 mà bây giờ chị dùng nhiều hơn là đưa ra vấn đề mà khách hàng của mình đang quan tâm. Nó theo dạng pain point (nỗi đau), hoặc là một điều mà họ thực sự muốn đào sâu, tìm hiểu kỹ. Chị hay lấy ý tưởng từ những cuộc nói chuyện với khách hàng của chị.
Mình đang nói đến nội dung mang tính thương mại nhá. Còn những nội dung khác thì chị vẫn là nói chuyện thôi, chỉ có điều, không phải khách hàng thì sẽ là bạn bè hoặc là một đối tượng nào khác.
Có thể những cái nội dung mà mình viết ra không phải là cái nội dung mà số đông yêu thích, nhưng mà có đủ chất lượng để cho thấy mỗi lời mình nói thì họ tin là mình đang nói thật. Đấy chính là yếu tố cốt lõi giữa một mối quan hệ nó “true friendship” ấy, đấy chính là lòng tin đấy. -Trang Đoàn-
Cái yếu tố thứ nữa mà chị hãy áp dụng cho tất cả câu chuyện, đấy là mình nói thật. Nếu không muốn nói ra thì tốt nhất mình đừng nên nói, nhưng đã nói thì phải nói sự thật. Nếu mà nói không đúng sự thật thì bản thân chị cũng cảm thấy rất day dứt và áy náy. Vì đấy là tính cách con người chị.
Mọi người cũng quen với cái hình ảnh đấy của chị rồi. Dù chị có nhắng nhít, nhí nhố hoặc thi thoảng nói xách mé một tí hoặc là đanh đá một tí, chua ngoa một tí, nhưng đấy là chị chứ không phải là một ai khác. Và đôi khi mình cũng là một người xúc động, nhiều cảm xúc, và mình kể ra những câu chuyện mà chính bản thân mình đọc lại, mình vẫn bị xúc động bởi chính những lời viết của mình.
Nhưng mà đó, nó làm nên một tính cách qua cách kể chuyện của chị trên mạng xã hội, nó phần nào nó mô tả đúng con người của mình, mà mình không muốn ngụy tạo để trở thành một ai đó.
Và có một điều chị rất vui, vì mình chân thành qua chính nội dung mình viết, nên đến khi có những người gặp mình, công tác ngoài đời ấy, họ cảm thấy cũng không có gì xa lạ, lạ lẫm đâu. Dù có thể là những cái nội dung mà mình viết ra không phải là nội dung mà số đông yêu thích, để đến nỗi chị có rất nhiều follower, có nhiều người bạn mới, nhưng đủ chất lượng để cho thấy mỗi lời mình nói thì họ tin là mình đang nói thật, và chị cũng chỉ cần đến thế mà thôi.
Thì đấy chính là yếu tố cốt lõi giữa một mối quan hệ nó “true friendship” ấy, đấy chính là lòng tin đấy.
Mina: Vậy theo chị thì cái khó nhất khi thực hành, áp dụng thể loại storytelling này là gì ạ?
Trang Đoàn: Thực ra chị thấy đây là một cái nội dung vừa khó mà vừa dễ viết.
Dễ là nó lúc nào cũng ở trong bản thân mình. Nó đơn giản chỉ là lấy lại câu chuyện, những suy nghĩ trong đầu mình chắp nối thành một cái mạch, một bài viết có cấu trúc để cho mọi người dễ dàng theo dõi, vậy thôi. Dễ là dễ ở chỗ đấy ấy.
Còn khó là có thể là vì cái kỹ thuật hoặc vì thói quen. Mình viết chưa nhiều, chưa được đều nên mình viết ra khá mất thời gian và khó nhọc. Nhưng mà khi đã viết đều, viết nhiều thì tự dưng câu cú, từ ngữ nó cũng tự tuôn ra tốt hơn.
Khi mà nghe mọi người nói về việc bị ý tưởng ấy thì chị không bí ý tưởng cho lắm. Bởi vì các cách, các bước để thực hiện storytelling đâu đó lại cho chị rất nhiều ý tưởng làm những cái nội dung khác nữa, dưới góc độ là một người làm truyền thông, một người viết.
Nhưng nếu bạn nào mới bước vào nghề viết, hoặc là muốn sử dụng kỹ năng viết cho business, hoặc là xây dựng hình ảnh cá nhân của mình, thì có thể bắt đầu từ việc kể chuyện. Có thể lúc kể chuyện ban đầu nó rất vụng về, chưa được nuột nà, và thậm chí đọc nó hơi cứng, nó giống như kiểu là nấu cơm chưa chín ấy, nhưng nó vẫn là bản thân bạn.
Nếu các bạn không bắt đầu từ một nội dung như vậy, hoặc không bắt đầu viết một cái gì đấy thì chẳng bao giờ các bạn có thể bắt đầu làm một cái gì khác được. Và như một hệ quả tất yếu, thương hiệu cá nhân nó sẽ không thuộc về bạn nữa. Bởi vì bạn không chủ động để viết, không chủ động tạo ra câu chuyện của chính bản thân mình, không chủ động để cho mọi người biết mình là ai, tính cách của mình ra sao, thì bạn sẽ bị phụ thuộc bởi những người mà bạn thuê viết. Đồng thời, lúc nào cũng sẽ đau đầu trong cái việc tìm người nào thể hiện đúng cái cá tính của mình, và thậm chí là bạn còn chẳng biết mình là ai.
Những cái câu chuyện đấy cũng cần được làm mới, vì hình ảnh của mình cũng nên được sống động giống như chính con người của mình ở ngoài thực tế. - Trang Đoàn-
Mina: Em muốn đặt câu hỏi là liệu có phải câu chuyện nào mình cũng có thể kể được không? Hay mình nên chọn lọc nó, hay là mình có cách nào để mình biết được rằng câu chuyện này nó phù hợp với việc mình xây dựng thương hiệu và nó tốt cho bản thân mình trong việc xây dựng thương hiệu không?
Trang Đoàn: Ừm, câu hỏi này thì chị nghĩ là cũng hay, nhưng mà nó cũng đặt ra một cái vấn đề giống vấn đề là quản trị chiến lược hình ảnh.
Như chị nói với em ấy, có những điều mình kể thì mình chắc chắn là kể thật, nhưng có những điều mình không muốn kể, mình không muốn người ta biết thì mình sẽ không kể.
Tức là sẽ có những phần cuộc sống, góc khác của bản thân mình, mình không muốn show hết tất cả ra. Mình chỉ muốn người ta biết những cái gì mình muốn người ta biết thôi, thì nó chính là cái phần quản trị hình ảnh của mình.
Đó, thương hiệu cá nhân không có nghĩa rằng mình phải phơi bày hết 100% con người của mình như thế nào, mình hãy phơi bày một phần con người mà mình muốn người ta nhớ đến mình là ai, và nhớ đến mình khi nói đến tầm ảnh hưởng và lĩnh vực công việc của mình đang làm.
Nó đi từ quan điểm của chính bản thân chị, chị coi mạng xã hội không phải là một nơi thuần túy để đưa những thông tin cá nhân và cuộc sống của chị lên đó. Nó sẽ phải là một nơi chiếm đến hơn 60% để làm việc, và để tạo ảnh hưởng đến những cái người mà mình muốn tạo ảnh hưởng.
Mina: Nghĩa là mình sẽ cần phải biết được rằng là độc giả của mình là ai và mình muốn tạo cái ảnh hưởng gì đến cho họ đúng không?
Trang Đoàn: Đúng, chính xác. Tức là bản thân mình cũng sẽ phải lựa chọn những đối tượng, khách hàng hoặc độc giả của mình. Mình mong muốn được tạo ảnh hưởng, và mình mong muốn được làm bạn với ai? Nó đi từ chính cái sự thoải mái của mình thôi, để mình có một sự bền bỉ đi cùng với họ.
Chứ còn nếu mà mình lựa chọn một đối tượng độc giả mà mình cảm thấy mình bị gồng và mình bị mất sức, thì nó không thể nào bền được. Nó sẽ ảnh hưởng đến chính bản thân mình.
Kiểu như khi giao lưu với người ta thì không phải lời nào mình cũng nói. Có những điều mình biết là nói ra sẽ gây hại cho người ta thì mình sẽ không nói. Mình sẽ chỉ mong muốn những ảnh hưởng tích cực hoặc những sự đồng cảm nhất định đối với những người mà mình coi là bạn bè.
Khi mà mình đã coi độc giả hay khách hàng của mình là bạn bè, thì mình sẽ luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với họ, ngay kể cả khi những lúc mà mình tụt năng lượng.
Chị có một vài nhóm bạn thân và một vài người bạn thân. Chị thường sẽ lựa chọn trong những tình huống phù hợp để chia sẻ với mỗi nhóm bạn nhất định. Chị không chia sẻ mọi điều trong cuộc sống với mọi nhóm bạn.
Khi mà mình đã biết được chân dung và đặc điểm của nhóm bạn mà bản thân đang muốn hướng tới, mình sẽ chỉ chia sẻ những điều mình tin tưởng, phù hợp với họ và họ cũng tin tưởng thì mình mới chia sẻ mà thôi. Nó chính là một mối quan hệ thực sự.
Chị muốn nhấn mạnh một mối quan hệ thực sự ở trên môi trường số. Một mối quan hệ như thế thì nên có sự chắt lọc về cả ngôn từ, từ ngữ, cách ứng xử, thái độ… chứ không nên phơi bày ra tất cả những thứ mà mình nghĩ, đặc biệt nếu điều đó không tốt cho họ, và họ cũng không cần điều đấy luôn.
Mina: Ngoài những lưu ý đó, thì chị còn muốn nhấn mạnh một vài điều gì đấy cho độc giả khi họ bắt đầu thực hành việc viết storytelling hoặc là chia sẻ câu chuyện của mình không?
Trang Đoàn: Ừ, có. Điều đầu tiên là khi mọi người đã nhắm đến một chủ đích. Kể câu chuyện của mình, bao gồm cả câu chuyện cá nhân, cuộc sống và câu chuyện kinh doanh của mình trên mạng xã hội, ... để sử dụng cho công việc, hay cho mục tiêu cuộc sống, hoặc xây dựng tầm ảnh hưởng của mình đúng không? Tức là với một mục tiêu như thế, thì mọi người thực sự cần nghiêm túc trong việc quản trị về hình ảnh, quản trị về chính câu chuyện.
Không phải chỉ những thứ mà mình đã đi qua đã là đủ, bởi vì có những trải nghiệm cần được làm mới. Những cái câu chuyện đấy cũng cần được làm mới, vì hình ảnh của mình cũng nên được sống động giống như chính con người của mình ở ngoài thực tế.
Chị nghĩ xây dựng thương hiệu cá nhân bằng việc sử dụng storytelling cũng chính là một cách để mà gây dựng một mối quan hệ chân thành bằng những câu chuyện. Bởi vì chúng ta đều hiểu rằng, kể chuyện là một phương thức giao tiếp, nó xuất hiện từ rất lâu của con người rồi. Và nó chính là con người, chính là một cái cách rất con người thôi. Mình có thể ứng dụng được trong vấn đề phát triển nội dung, và phát triển hình ảnh thương hiệu cá nhân.
Vậy nên, chúng ta không cần áp lực về việc ta phải làm thế nào, kỹ thuật ra sao mà hãy cứ làm mới, trau dồi bản thân và chân thành chia sẻ những chất liệu mà mình sở hữu.
Mina: Cảm ơn chia sẻ của chị Trang. Em cũng rất đồng tình với quan điểm của chị và xin phép sử dụng câu nói vừa rồi của chị để nhắn gửi tới các bạn độc giả, đồng thời kết thúc buổi trò chuyện của chúng ta ngày hôm nay. Chúc cho chị ngày càng kết nối được nhiều độc giả và thành công hơn nữa trong các dự án sắp tới.
Cảm ơn bài viết của em. Storytelling là cách chị rất thích và muốn khai thác sâu.