

Discover more from Visible You
Bạn muốn được biết tới với vai trò gì?
Áp dụng phương pháp PEDIT dành cho các bạn chưa chọn được ngách
Bạn muốn được biết tới với vai trò gì? - Đây là câu hỏi mà mình thường sử dụng trong phiên coach với học viên lớp Real You để chọn ngách. Vì giờ người ta không gọi chung chung là KOL hay Influencers nữa rồi. Nếu bạn từng đọc bài viết “Xu hướng quan trọng cho sự nghiệp tạo sức ảnh hưởng năm 2023” của mình thì đều biết: “các Influencers bắt đầu định vị họ với ngách cụ thể như: Fashion Influencer, Vega-Nutritionist Influencer,…”
Ơ, thế ngách là gì? Sao xây dựng thương hiệu lại phải chọn ngách?
Ngách ở đây có thể hiểu là lĩnh vực chuyên môn, chủ đề mà bạn tập trung tìm hiểu và chia sẻ với người theo dõi của mình. Ví dụ, tôi đang lựa chọn Thương hiệu cá nhân, Influencer Marketing để viết, chia sẻ và cung cấp dịch vụ xung quanh nó. Khán giả đã và đang theo dõi tôi vì tôi có thể cung cấp cho họ những thông tin chuyên sâu, chất lượng cao về nghề này.
Cụm từ “One size fits all - một bộ đồ mà vừa cho tất cả mọi người” có lẽ không phù hợp trong việc xây dựng thương hiệu. Hãy nhớ rằng bạn không phải là tờ báo, bạn cũng không phải một tòa soạn. Bạn có mặt để cung cấp thông tin nhất định cho tệp khán giả nhất định chứ không phải hướng tới độc giả đại chúng. Người đọc cũng không tìm tới bạn chỉ để đọc các tin tức tổng hợp hay họ cũng không coi bạn là cuốn bách khoa toàn thư. Nếu như vậy, họ đã đi đến trang google chứ không phải truy cập vào trang website của bạn. Mà sự thật đau đớn rằng, bạn cũng không đủ nguồn lực để làm một trang tin online khi chỉ có một mình. Ngược lại, độc giả tới để tìm những loại nội dung chuyên sâu, chất lượng cao, những giải pháp và màu sắc mà chỉ có bạn đang sở hữu. Và nhiệm vụ của bạn là làm tốt và phục vụ hiệu quả nhóm người quan tâm tới những gì bạn đang có.
Khi tập trung nghiên cứu và chia sẻ về một lĩnh vực xuyên suốt và nhất quán, bạn sẽ lại càng có cơ hội nghiên cứu, cập nhật nhiều kiến thức trong ngành đó. Bạn được trải nghiệm, chia sẻ và thu về nhiều insight, bí quyết mà người ngoài ngành không có. Đây vừa là cách để khẳng định tính chuyên môn, sự uy tín của bạn vừa là điểm nhấn để bạn trở nên khác biệt khi được đặt cạnh một nhân vật khác.
Theo như kết quả phỏng vấn sâu của tôi với follower của Influencer, họ đều nói rằng có xu hướng bị thu hút và chủ động muốn tìm tới những Influencer có chuyên môn và độ xác thực cao để tham khảo và tìm kiếm thông tin gợi ý về sản phẩm. Đồng nghĩa với việc ngách chính là yếu tố giúp Influencer có thể lan tỏa sức ảnh hưởng của mình mạnh mẽ hơn, tác động tới họ nhiều hơn, sâu hơn và cho ra một kết quả đột phá hơn. Trong tiếp thị, đó chính là một Influencer có thể giúp nhãn hàng tăng doanh thu, độ phụ sóng, chính là người mà các nhãn hàng muốn tìm kiếm và sẵn sàng trả mức phí cao.
Bạn tưởng tượng chọn ngách giống như việc bạn chọn địa điểm để mua một chai rượu nho vậy. Cho bạn hai sự lựa chọn, hai địa điểm mua: một là đi mua ở siêu thị, hai là đi mua ở trang trại chuyên trồng và sản xuất rượu nho. Bạn sẽ đi tới đâu để mua?
Tôi cá là bạn cũng giống như tôi, đó chính là ưu tiên cho trang trại trồng và sản xuất rượu nho. Chúng ta có xu hướng lựa chọn nơi chuyên bán, chuyên sản xuất một loại sản phẩm nhất định hoặc một nhóm hàng có liên quan tới nhau. Những cửa hàng đó mang lại cho chúng ta cảm giác sản phẩm ở đó cao cấp hơn, chất lượng hơn, hoặc không thì ít nhất cũng sẽ có đa dạng sự lựa chọn hơn.
Và việc bạn chọn được ngách riêng của mình giống như việc bạn biến mình thành trang trại và nơi chuyên bán rượu nho vậy: chuyên dụng hơn, khác biệt hơn, cao cấp hơn và có thể bán giá cao hơn.
Một trong những ưu điểm rất hay khi mà bạn chọn được ngách đó là bạn có thời gian và nguồn lực để hoàn toàn đầu tư vào mảng mà bạn theo đuổi. Bạn không bị phân tâm hoặc lãng phí nguồn lực cho mảng khác mà không có hiệu quả cao. Bạn không chỉ tập trung nghiên cứu sâu hơn mà bạn có thể kết nối, chăm sóc tệp độc giả của mình tốt hơn, chu đáo hơn. Bạn sẽ nắm rõ được những người theo dõi của mình là ai, họ tới từ đâu, họ đang gặp vấn đề gì và đưa ra những thông tin sát với nhu cầu của họ hơn. Và chính điều này sẽ gắn kết bạn và độc giả bền chặt hơn, sức ảnh hưởng mà bạn tạo sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Ngay cả các nhãn hàng thực ra họ cũng có ngách riêng. Sản phẩm, dịch vụ của họ chỉ cung cấp cấp cho một nhóm người cụ thể. Các thương hiệu cũng sẽ thích tìm những Influencer thích hợp. Những Influencer có đối tượng độc giả trùng với nhóm khách hàng của họ. Những Influencer có tính xác thực và đáng tin cậy để đưa ra đề xuất cho những người theo dõi và thúc đẩy tỷ lệ chuyển đổi. Vì vậy độ uy tín của bạn càng cao, mức độ liên quan giữa sản phẩm và hình ảnh, đối tượng của cả hai càng lớn thì mức chi phí mà họ bỏ ra cho bạn lại càng cao. Và chọn được ngách sẽ giúp bạn thỏa mãn cả hai yếu tố này.
Vậy làm thế thế nào để chọn ngách?
Qua thực hành thực tế và kinh nghiệm hướng dẫn các học viên, tôi đã thử nghiệm và xây dựng một công thức đơn giản, tuy mất thời gian hơn là dành thời gian coach với tôi. Nhưng nó có thể áp dụng rộng rãi, hiệu quả cho tất các bạn, nếu bạn chịu khó làm theo tôi hướng dẫn. Tôi tạm đặt tên nó là: PEDIT
P- Passion - Niềm đam mê
Tôi luôn là người đề cao niềm đam mê trong công việc hay bất cứ thứ gì mà lựa chọn để gắn bó lâu dài như ngách Influencer. Tôi cho rằng nếu không có hứng thú với nó thì sẽ khó có thể gắn bó lâu dài. Tại sao lại có suy nghĩ vậy, bởi chính tôi đã từ bỏ một công việc ở một tập đoàn đa quốc gia tại Đài Loan, rời xa môi trường tốt, đồng nghiệp dễ chịu, một mức lương cao sau 3 năm miệt mài cống hiến chỉ vì không đam mê với ngành dược và thực phẩm chức năng. Cũng là pitching (thuyết trình), cũng là giao thiệp với khách hàng, cũng là ngồi viết email và bán sản phẩm nhưng tôi thực sự mệt mỏi khi nói về những công thức, chức năng và những thông tin về nguyên liệu, sản xuất. Nó khiến tôi chán ghét tới mức sẵn sàng không mang một cọc tiền ở trước mặt, sự thăng tiến và phần thưởng thêm 2 tháng lương, tôi đã không nề hà mà xin từ chức. Niềm đam mê - nó quan trọng và kỳ diệu lắm, bởi nó chính là thứ cháy âm ỉ, tự nhiên trong người bạn, thứ mà được phát hiện ra bằng một mồi lửa nhỏ, được nuôi dưỡng bởi sự tự thân chứ không phải ép buộc hay cố gắng. Kiến thức có thể học và đọc để trau dồi, kỹ năng thì có thể rèn luyện và trở nên thành thục nhưng đam mê thì không, nó không phải là thứ để có thể cố gắng và gượng ép. Thử nghĩ mà xem, có ai bảo “tôi đang luyện đam mê, tôi đang học đam mê không? Không có. Nhất là trong ngành công nghiệp sáng tạo và tiếp thị, không có đam mê thử hỏi sao mà thăng hoa và bứt phá được.
Người như tôi, rời bỏ một công việc mà mình không thích thì nhiều lắm. Tôi cũng đã gặp không ít người trong số họ. Rồi chúng tôi ngồi lại với chính mình, viết ra những điều mà mình muốn viết tiếp. Để phác họa được đam mê một lần nữa. Bạn thử trả lời một vài câu hỏi sau xem sao nhé:
Chủ đề gì khiến bạn hào hứng khi tiếp cận và khám phá?
Chủ đề gì khiến bạn tự tin khi chia sẻ nhất?
Mỗi khi rảnh bản thích làm việc gì?
Đã khi nào bạn quên thời gian khi làm gì đó không?
Những loại thông tin nào (lĩnh vực gì?, thể loại nào?) khiến bạn cảm thấy mê mẩn hoặc không thấy mệt khi đọc cho dù phải nghiên cứu chúng bằng thứ tiếng không phải tiếng mẹ đẻ?
Hãy tưởng tưởng về thứ mà bạn sẽ thấy rất thỏa mãn và hạnh phúc khi được làm.
E- Expertise - Chuyên môn:
Trong một nghiên cứu tôi về Influencer Marketing trong ngành làm đẹp tại thị trường Việt Nam vào năm 2018, hầu hết những người được hỏi và phỏng vấn đều thể hiện thái độ hài lòng và tích cực với dạng thông tin hữu ích, hướng dẫn, chia sẻ chuyên sâu và liên quan tới ngách mà Influencer đó theo đuổi. Họ thậm chí có xu hướng chia sẻ những bài đăng có thông tin hữu ích và giá trị cao. Điều này chứng minh rằng yếu tố tạo nên một thương hiệu vững chắc, một sức ảnh hưởng tích cực và thuyết phục, đó chính là tính chuyên môn. Và bạn cần phải thể hiện được điều đó trong nội dung mà bạn chia sẻ.
Quả thật, khi xây dựng hình ảnh một người làm việc công sở ở Đài Loan, các bài đăng nhận được nhiều lượt thích, lượt chia sẻ của tôi đều liên quan tới kinh nghiệm tìm và làm việc của tôi tại đất nước này.
Để xác định được chuyên môn của mình không khó. Tôi gợi ý các bạn có thể tìm nó qua hai cách, một là dựa trên học vấn, hai là dựa trên kinh nghiệm, trải nghiệm của mình. Tôi cũng đã chuẩn bị một vài câu hỏi dành cho các bạn ngay sau đây:
Bạn đang theo học ngành gì?
Bạn đã có chứng chỉ/bằng cấp về ngành, công việc gì?
Bạn đang theo học hoặc làm công việc gì?
Công việc gì mà bạn đã làm lâu nhất, kinh nghiệm phong phú nhất?
Kỹ năng nào trong công việc mà bạn tự tin nhất?
Thông tin, kiến thức về lĩnh vực nào khiến bạn tự tin nhất khi nói về vì bạn biết nó chính xác (ít nhất ở thời điểm hiện tại)?
Kể tên một vài sở thích, tài năng của bạn? (Hát, múa, chơi đàn, vẽ, kể chuyện, biến thông tin khó hiểu thành dễ hiểu, v.v...) Và bạn làm điều gì tốt nhất? Bạn đã luyện tập và thực hành nó trong bao nhiêu lâu rồi?
Tài năng nào mà bạn cảm thấy nổi trội và tự tin thể hiện nó nhất?
D- Demand - Nhu cầu:
Việc phải lưu ý tới nhu cầu ở đây không có nghĩa là tôi khuyên các bạn nên chạy theo nhu cầu của thị trường. Tôi cũng không mong muốn bạn bỏ qua chuyên môn hay đam mê để chạy theo số đông và thị hiếu. Nhưng trong giai đoạn tìm ngách, nếu bạn bỏ qua chữ D này thì rất có thể bạn sẽ không biết được tiềm năng của mình ở đâu để cạnh tranh với người khác, hoặc sẽ chẳng thể kiếm tiền vì thứ bạn mang tới chẳng có ai cần sử dụng.
Dù sao thì một Influencer cần kiếm tiền để có thể sống, kiếm tiền bằng cách đưa ra thông tin, giải pháp để giải quyết vấn đề của độc giả. Vì vậy nếu chúng ta có thể mang tới điều mà độc giả ngoài kia cần thì thực sự sẽ tuyệt vời hơn nữa. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, chúng ta hãy cùng bắt tay nhau vào khảo sát để hiểu về thị trường trước nhất. Trong giới hạn, quy mô ngách lĩnh vực mà bạn theo đuổi:
Đã có blogger, chuyên gia, hoặc bất cứ ai viết về chủ đề đó chưa? Họ viết như thế nào, cách tiếp cận của học ra sao và thể hiện thông tin đó như thế nào?
Đâu là đề tài đang được quan tâm, săn đón nhất? (Bạn có thể tìm hiểu qua các bài báo, blogger, trang tin, google trends, Keyword Planner trong Google Ads, bản tin, báo cáo xu hướng mà bạn đang theo dõi, các cộng đồng mà bạn đang tham gia). Nếu bạn cũng muốn viết về thông tin đó thì bạn có cách tiếp cận khác và có thể cải thiện không?
Đâu là loại thông tin, chủ đề mà chưa được nhiều người khai thác, thông tin còn nghèo nàn và cách tiếp cận còn sai lệch?
Đâu là chủ đề đã có người viết nhưng chưa được sự đón nhận của người đọc? Trong vai trò người đọc, bạn nghĩ lý do đó là gì?
I - Intuition - Trực giác:
Có khi nào bạn linh tính, lo lắng hay có cảm giác về một sự việc chuẩn bị xảy ra và nó trở thành sự thật? Có khi nào bạn quyết định một điều gì đó mà không có sự lý giải về khoa học, logic mà chỉ dựa vào thứ “cảm giác là đúng” hay còn gọi là “trực giác”?. Tôi đã từng quyết định khá nhiều việc quan trọng trong đời dựa vào trực giác và trong đó số quyết định được đưa ra đều đúng tới 80%. Ngay cả khi tôi lựa chọn trở thành một Branding Strategist. Xung quanh tôi vẫn có sự đắn đo và lo sợ về sự thất bại nhưng tôi luôn có linh cảm rằng đây là con đường tiềm năng và phù hợp với tính cách của tôi. Quả thực là như thế, quyết định đó cho tôi nhiều bước tiến cả về tinh thần và vật chất.
Tôi đã cho rằng giác quan thứ 6, khả năng dự đoán tương lai (tự như một khả năng trong tâm linh) của mình rất mạnh cho tới khi đọc được bài báo của tiến sĩ thần kinh học Valerie Van Mulukom, bà cho rằng : “Trực giác hoặc linh tính cũng là kết quả của rất nhiều quá trình xử lý xảy ra trong não. Dựa trên nghiên cứu, bộ não là một cỗ máy dự đoán lớn, liên tục so sánh thông tin từ cảm giác và trải nghiệm ở hiện tại với kiến thức và ký ức được lưu trữ về những trải nghiệm trước đó và đồng thời dự đoán điều gì có thể xảy ra tiếp theo.” Điều này cho thấy rằng, trực giác không phải là phản ứng xảy ra không có khoa học và làm theo trực giác mách bảo không phải là một quyết định vô căn cứ.
Nó chính là kết quả của quá trình xử lý thông tin dựa trên kinh nghiệm, sự hiểu biết của bạn trong quá khứ và nhận thức của bạn với những gì xảy ra ở hiện tại để cho ra một quyết định rất nhanh mà không cần vận dụng tới các phân tích phức tạp khác. Khi bạn càng có nhiều kinh nghiệm trong một lĩnh vực nào đó, bộ não sẽ tự động đưa ra càng nhiều thông tin hơn để bạn phán đoán và đưa ra kết luận phù hợp với trải nghiệm hiện tại.
Trên thực tế, việc làm theo trực giác không chỉ xảy ra với tôi, trong một khảo sát của Modesto A. Maidique, 85% trong số 36 doanh nhân có ảnh hưởng nhất trên thế giới thừa nhận họ đưa ra quyết định dựa trên trực giác thay vì suy nghĩ logic, có cân nhắc.
Vậy rõ ràng, khi đứng trước một sự lựa chọn về ngách, bạn cũng hoàn toàn có thể lục lại những suy nghĩ, hiểu biết, thông tin về nó và hãy lắng nghe những dấu hiệu của trực giác thay vì chỉ chăm chăm vào những con số hay phân tích nhàm chán.
Tôi muốn đưa ra lời khuyên về trực giác trong phần này, vì đã gặp nhiều bạn ngó lơ trực giác vì một vài lý do. Một, có lầm tưởng như tôi, coi trực giác là cái gì đó thuộc về tâm linh, không có căn cứ và không muốn tin. Hai, trực giác xuất hiện quá mờ nhạt hoặc bạn ngó lơ những “cảm giác” đó. Ba, bạn hoàn toàn không có kinh nghiệm để có thể đặt niềm tin hoàn toàn vào trực giác.
Vậy sau khi đọc những phân tích này, tôi mong rằng bạn sẽ có một góc nhìn và sự lưu tâm về những linh cảm của mình. Nó có thể xuất hiện dưới dạng của cảm giác, niềm tin, một thông tin hay dưới dạng một ý tưởng, v.v… Nó có thể tới ngay trong khi bạn phân tích thông tin, tìm kiếm tin tức, có thể luôn thường trực trong suy nghĩ nhưng cũng có thể rất bất ngờ vụt qua khi bạn đang đi tắm, dọn dẹp nhà cửa... Nhưng để trực có thể tin cậy hơn, ngược lại, bạn hoàn toàn nên trau dồi thêm kinh nghiệm, tích lũy thêm thông tin. Cuối cùng, hãy nhớ tận dụng linh cảm cùng với phân tích khác để cho ra một quyết định đúng đắn và hiệu quả nhất.
T - Test - Thử nghiệm:
Sau khi đã hoàn thành 3 bước ở trên thì làm ơn hãy bắt tay vào làm ngay bước 4. Tôi cho rằng đây mới là lúc để bạn có thể thực sự trả lời cho câu hỏi: Ngách nào dành cho tôi. Bởi nếu chỉ dừng ở bước số 3 thì hàng ngàn mô hình, hàng trăm câu trả lời, kế hoạch mọi thứ vẫn chỉ là những con chữ trên tờ giấy, sẽ chẳng có sự ảnh hưởng nào được tạo ra. Hơn nữa, mọi thông tin mà bạn có mới chỉ đang dừng lại ở mức độ thu thập, nghiên cứu và phân tích.
Nếu bạn không bắt tay vào thực hiện nó thì bạn sẽ mãi không biết thật hư như thế nào. Bạn có hợp với nó không, cần điều chỉnh gì và có ai cần tới nó không? Tôi cho rằng bạn các bạn nên đầu tư thời gian cho bước số 4 này nhiều hơn cả, khoảng 6 tháng tới 1 năm. Đây là quãng thời gian đủ để bạn có thể trải qua vòng tròn trải nghiệm: sự lên xuống của thị trường, khẳng định tính chuyên môn và mức độ nhiệt huyết, đam mê của bạn với ngách đó. Nếu bạn có thể viết hàng ngày trong vòng 1 năm mà vẫn vẹn nguyên niềm hứng thú thì hãy theo đuổi nó nhé.
Tôi khuyến khích các bạn vẽ một sơ đồ gồm 3 ô bao gồm: Expertise - Chuyên môn, Passion - Đam mê, Demand - Nhu cầu (như hình dưới đây). Sau đó, bạn ghi lại tất cả những câu trả lời cho các câu hỏi mà tôi đã gợi ý. Khi làm xong, hãy sử dụng bút highlight để đánh dấu những chủ đề, cụm từ trùng lặp, được nhắc nhiều nhất trong ba ô này. Những từ khoá này có cùng chung về một chủ đề hay lĩnh vực nào? Nó rất có thể sẽ là thứ để bạn đi sâu và đồng hành đó.
Theo tôi, bạn nên sử dụng bút và giấy để ghi lại những thông tin này thay vì đánh máy. Bởi khi viết tay, bạn sẽ không bị sao lãng bởi bất cứ phần mềm, thay chương trình giải trí nào có trên máy tính, bộ não bạn sẽ hoàn toàn tập trung vào câu hỏi được đặt ra và rất có thể khi viết, bạn sẽ nảy ra nhiều ý tưởng và thông tin hay.
Hãy khoan chọn chủ đề được nhắc nhiều nhất, hay lĩnh vực có nhiều từ khoá liên quan nhất. Thay vào đó, hãy để tờ giấy ở đó và quay trở lại sau một tuần. Trong suốt một tuần đó, bạn hãy thử nghĩ thêm về câu trả lời của mình, những điều mình thích, mình giỏi và thân thuộc. Hãy đọc thêm các nguồn tài liệu trên mạng, tham gia thêm những cộng đồng và bàn luận nhiều hơn về những chủ đề đó. Tốt nhất, bạn có thể chia sẻ và trao đổi với người nào đó trong ngành mà bạn quen để xem trải nghiệm, câu chuyện của họ là gì.
Và hãy lắng nghe những tín hiệu từ trực giác rằng bạn cảm thấy thân thuộc hay thuộc về với thứ nào. Tại sao? Rồi cuối cùng, bạn mới tới bước quyết định lựa chọn lĩnh vực, ngách và thử nghiệm nó trong vòng 6 tháng - 1 năm tới.
Cuối cùng, chúc bạn sớm lựa chọn ra được hướng đi - ngách cho riêng mình.
Bạn muốn được biết tới với vai trò gì?
Phương pháp hay & chia sẻ rất cụ thể em ơi ✨
Em đọc từ đầu đến cuối lun, Hay thực sự ạ. Đọc cứ trôi tuột từ đầu xuống tay, nên phải viết cảm nghĩ ngay. Mong c Mina ra nhìu bài hay như thế này nữa. ^^