

Discover more from Visible You
Xây dựng thương hiệu cho coach, chuyên gia tư vấn và business owner
Kiểm tra những dấu hiệu của một thương hiệu chưa hiệu quả và cách cải thiện.
Tầm quan trọng của việc tạo ảnh hưởng hữu hình và xây dựng thương hiệu cá nhân có lẽ không cần phải bàn thêm nữa.
Trong bể thông tin dày đặc và rất dễ làm phân tâm như hiện tại, thương hiệu vững chắc là nền tảng cho sự phát triển bền vững của hoạt động tiếp thị và doanh nghiệp.
Trước khi đi vào khám phá chi tiết cách để tạo ảnh hưởng, hãy thử xem thương hiệu của bạn có đang có những dấu hiệu cho thấy những điểm chưa hiệu quả không nhé!
#Dấu hiệu 1: Bạn gặp rất nhiều khó khăn trong việc bán hàng
Bất kể bạn vừa bán hay đã bán hàng 6 tháng trước, bạn vẫn gặp khó khăn trong giao dịch, thuyết phục, “chốt” sale. Bán hàng không phải việc xảy ra tại thời điểm ngẫu nhiên nào đó, nó phải được nhen nhóm từ trước đó, khi mà bạn và khách hàng đã bắt đầu hình thành mối quan hệ. Cảm giác họ có được khi thấy thương hiệu của bạn, khi nghe được thương hiệu của bạn đó là “đây chính xác là những gì mà mình cần”. Cách bạn nói, email bạn viết, những nội dung bạn tạo ra… tất cả gắn liền với xây dựng thương hiệu.
Bán hàng không phải bạn gửi một email nói “Tôi đang có thứ này để bán” là sẽ có người mua, mà nó phải bắt đầu từ lâu trước đó. Không có sự kết nối mạnh mẽ trước đó, không ai thực sự biết bạn đang nói về điều gì và có thể chẳng tin tưởng bạn. Email không rõ ràng nhất quán, thậm chí họ còn bỏ qua không muốn biết bạn là ai.
Vì vậy, nếu bạn đang gặp khó khăn trong bán hàng (trong khi sản phẩm, dịch vụ của bạn có chất lượng tốt) thì rất có thể bạn đang có vấn đề với thương hiệu.
#Dấu hiệu 2: Thông điệp mỗi nơi một khác
Nếu bạn đang cảm thấy thông điệp của mình đang xuất hiện ở rất nhiều kênh nhưng không có sự nhất quán, không kênh nào giống kênh nào thì đó cũng là vấn đề của thương hiệu.
Cách bạn xuất hiện, cách bạn chia sẻ và truyền đạt thông điệp rõ ràng với khách hàng là một trong những yêu cầu quan trọng của thương hiệu.
Bạn cũng có thể cảm nhận được điều đó, khi bán hàng trở nên khó khăn, mọi người không chắc bạn làm gì và bạn có thể hỗ trợ gì.
#Dấu hiệu 3: Có kênh nhưng không chuyển đổi
Bạn có biết website www.linhphan.co của mình dù không có blog nhưng mỗi tháng trung bình đều mang về tối thiểu 30-50 khách hàng đăng ký các chương trình tư vấn (và mình có thể dễ dàng convert tối thiểu 15-20% trong số họ thành khách hàng trả phí)?
Mặc dù website không chứa nội dung mà người đọc có thể lưu lại, chỉ là nơi để giới thiệu về mình và các sản phẩm nhưng toàn bộ các kênh mình có (như các bản tin, kênh truyền thông) đều dẫn về website và yêu cầu khách hàng để lại thông tin tại đây.
Nếu bạn có website, nhưng nửa năm rồi “đắp chiếu” và chẳng có ai ngó ngàng tới, đó là một vấn đề về thương hiệu.
Thậm chí, thẩm mỹ của website cũng là một yếu tố khiến khách hàng quyết định có muốn làm việc với người này hay không. Không ai muốn làm việc với một người mà website lộn xộn, xô lệch, ảnh chất lượng thấp, không có tính thẩm mỹ, lỗi font, bố cục bị phá vỡ… Đó là bộ mặt của bạn. Tương tự như trên các kênh truyền thông xã hội. Thật khó để muốn làm việc với một người tự nhận là chuyên gia tâm lý cao cấp nhưng trang cá nhân toàn các bức ảnh selfie và mặc đồ tuềnh toàng. Đó cũng là một vấn đề thương hiệu.
Vậy làm thế nào để cải thiện thương hiệu cá nhân của bạn?
Có 3 bước cơ bản và đơn giản cùng những câu hỏi có thể giúp bạn thực hiện quá trình này.
Bản sắc thương hiệu luôn bắt đầu từ BẠN
Trong chương trình Real You (cấp độ 1 trong tạo ảnh hưởng và xây dựng nhân hiệu), mình đặt mỗi người vào trung tâm và họ phải làm việc với bản thân họ rất nhiều. Tính cá nhân, tính bản thể của mỗi người rất cao. Không nên sống và làm việc như một bản sao của người khác.
Câu chuyện của mỗi người, bản sắc của mỗi người chính là trung tâm của thương hiệu. Nhận thức bản thân mình trước sau đó người khác mới có thể nhận diện được ra bạn.
Điều gì tạo nên con người bạn? Giá trị bạn theo đuổi là gì? Sự khác biệt của bạn từ trong ra ngoài?
Mỗi người có một câu chuyện riêng và ở đó sự khác biệt của bạn sẽ được khơi ra, cùng với niềm tin được tạo thành từ khách hàng.
Đối tượng khách hàng của bạn là ai?
Bạn có thể tạo nội dung cả ngày, nhưng nếu không có ai nhận được những lời mời gọi đó, nó chẳng có ý nghĩa gì.
Việc xác định đối tượng gồm 3 phần:
Tưởng tượng về người bạn muốn làm việc cùng
Nghiên cứu thị trường để khám phá sâu hơn ước mơ của bạn
Hoàn thiện hồ sơ khách hàng
Tạo ra trải nghiệm thương hiệu với cảm xúc thật sự
Xây dựng thương hiệu dựa trên cảm xúc là thứ có thể tạo ra sự khác biệt cho bạn, đồng thời cũng là sự khác biệt giữa một thương hiệu có thể tạo ra lợi nhuận và không tạo ra lợi nhuận.
Nhờ cảm xúc, khách hàng cảm thấy kết nối sâu sắc với thương hiệu, biết rồi thích và tin, sau đó dẫn tới quyết định mua hàng.
Xây dựng thương hiệu cảm xúc như thế nào thì mình sẽ chia sẻ ở các bản tin sau.
Giờ chúng ta hãy chuyển sang nội dung về mối quan hệ với thương hiệu.
Mối quan hệ giữa khách hàng với thương hiệu mạnh mẽ là khi họ tin rằng thương hiệu này cùng giá trị với mình. Sự kết nối này cho phép bạn không chỉ nổi bật hơn đối thủ mà còn khiến khách hàng quay lại hết lần này tới lần khác.
Zig Ziglar nói “Nếu ai đó thích bạn, họ sẽ lắng nghe bạn. Nếu họ tin tưởng, họ sẽ làm ăn với bạn”.
4 cách để cải thiện mối quan hệ giữa khách hàng và thương hiệu
#1. Hãy chia sẻ giá trị thương hiệu
Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng làm sao chúng ta có thể mong đợi khách hàng trải nghiệm và chia sẻ giá trị thương hiệu của mình khi bản thân mình còn chẳng biết mình có giá trị như thế nào?
Vì vậy, nếu chưa xác định được giá trị, bạn phải làm điều đó. Nó có thể là sự tận tâm, là sự chăm sóc, chu đáo, là triết lý tự do, là cân bằng v.v.
Hành động: Hãy tìm ra tối thiểu 2-3 giá trị và thể hiện nó trên những kênh bạn có.
#2. Hãy chia sẻ sứ mệnh của mình
Sứ mệnh của mình là giúp những người phụ nữ có được một cuộc sống tự chủ, tự do và hạnh phúc thật sự. Dù tiền là phương tiện hay là động cơ thật, nhưng nó không phải mục đích cuối cùng.
Mục đích và sứ mệnh của bạn phải sâu sắc hơn chỉ là tiền hay những mong cầu vật chất đơn thuần.
Sứ mệnh này không chỉ thúc đẩy các quyết định trong kinh doanh mà nên là yếu tố kết nối chính với các khách hàng tiềm năng của bạn.
Hành động: Mục đích đằng sau hoạt động kinh doanh hay công việc của bạn là gì? Bạn muốn để lại di sản gì cho cuộc đời và sự nghiệp của mình?
#3. Xây dựng cộng đồng
Cộng đồng là tương lai của kinh doanh và cả thương hiệu. Cảm giác thuộc về, cảm giác gắn kết trong một cộng đồng càng khiến khách hàng muốn gắn bó hơn với thương hiệu.
Trong cộng đồng, họ cảm thấy mình là một phần của điều gì đó lớn lao. Họ được thể hiện suy nghĩ, kết nối, tương tác và phát trển.
Hành động: Bạn đang có những công cụ gì để xây dựng cộng đồng? Những cách để bạn giúp các khách hàng trở thành một phần của cộng đồng?
Nếu muốn tư vấn về chiến lược phát triển cộng đồng cho kinh doanh và thương hiệu, hãy liên hệ với
!#4. Tăng cường trải nghiệm
Dịch vụ khách hàng là thứ khiến khách hàng có muốn ở lại và tiếp tục đi cùng bạn hay không. Dịch vụ tốt, họ sẽ muốn gắn bó với bạn. Dịch vụ tệ, họ không chỉ rời bỏ mà còn cảnh báo cho cả những người khác,
Hãy chăm sóc cho những khách hàng bạn đang có và củng cố niềm tin của họ.
Hành động: Các cách để cải thiện dịch vụ khách hàng của bạn? Liệu có lỗ hổng nào trong quy trình chăm sóc khách hàng không?
Khi bạn xây dựng được một kết nối sâu sắc với khách hàng ngay từ đầu và tiếp tục những sứ mệnh, giá trị và lời hứa của mình, bạn đang tạo ra những “fan” trung thành cho công việc kinh doanh và thậm chí cả cuộc sống của bạn.
Đó chính là cách để chúng ta có một sự nghiệp, một doanh nghiệp bền vững.