Đừng viết bài như tiến sĩ gây mê nữa
Tặng bạn 3 cấu trúc kể chuyện biến chuyên môn khó nhằn thành nội dung thu hút
Có bao giờ bạn đọc lại bài viết của chính mình và thở dài: “Sao bài này đúng mà lại ít người đọc vậy?” Mình đã phân tích chỉn chu, viết mạch lạc, trình bày rõ ràng. Mọi thứ đều hợp lý. Nhưng bài viết vẫn… vô thanh.
Bạn không cô đơn. Rất nhiều chuyên gia giỏi đang gặp cùng một vấn đề: nội dung của họ đúng, nhưng thiếu chạm. Thứ họ chia sẻ là tri thức. Nhưng thứ người đọc cần – là một điểm kết nối.
Đó có thể là một trải nghiệm nhỏ, một ví dụ thật, một đoạn tự sự mà người đọc thấy mình trong đó. Không phải để kể lể. Mà là để cho bài viết có… hơi thở.
Vì vậy, nếu bạn từng nghĩ “mình không biết kể chuyện” hay “mình chỉ giỏi chuyên môn thôi”, thì bản tin này dành cho bạn.
Mình sẽ chia sẻ 3 cấu trúc storytelling đơn giản, dễ áp dụng – giúp bạn biến một bài viết khô khan thành nội dung có cảm xúc, có chiều sâu, và có khả năng được đọc tới cuối.
Bạn vẫn là chính bạn, chỉ khác là bạn biết cách nói cho người khác muốn nghe. Và đó là nơi mà mọi kết nối bắt đầu.
Cấu trúc 1: Story-Driven Insight
Đây là cấu trúc storytelling tối giản nhưng có chiều sâu, phù hợp với những ai muốn chia sẻ chuyên môn một cách mạch lạc, không dạy đời mà vẫn đủ tạo niềm tin.
Điểm mạnh của cấu trúc này là tạo sự gắn kết thông qua suy nghĩ thật, từ đó đúc kết một bài học chuyên môn không gượng ép.
Cấu trúc gồm 3 phần chính:
MỞ: Một tình huống cụ thể. Có thể là thất bại, lỡ nhịp hoặc một khoảnh khắc bạn thấy hoang mang
THÂN: Phản tư và phân tích. Vì sao chuyện đó xảy ra, bạn từng nghĩ gì, và có gì khiến bạn nhận ra điều mới
KẾT: Kết luận nhẹ nhàng. Một nhận thức, một góc nhìn chuyên môn được hình thành từ câu chuyện
Cấu trúc này phù hợp cho:
Bài chia sẻ chuyên môn lồng cảm xúc
Bài “kể lại rồi ngộ ra”, không cần cao trào
Nội dung thể hiện tư duy chuyên gia qua trải nghiệm thật
Dạng viết định hướng người đọc bằng trải nghiệm, không áp đặt
1. HƯỚNG DẪN TRIỂN KHAI TỪNG BƯỚC
BƯỚC 1 – MỞ: Đặt một tình huống cụ thể bạn từng trảiNên chọn khoảnh khắc bạn cảm thấy hụt hẫng, bối rối hoặc ngờ vực chính mìnhTình huống không cần phải nghiêm trọng – chỉ cần thật
BƯỚC 2 – THÂN: Phân tích điều gì đã xảy ra bên trong bạnTại sao bạn thấy như vậy? Điều gì khiến bạn thay đổi góc nhìn?Có thể lồng ghép một ẩn dụ để làm rõ insight (ví dụ: “gặp khách một lần rồi đòi cưới”)Càng thật, càng có chiều sâu
BƯỚC 3 – KẾT: Đúc kết một bài học vừa đời vừa nghềChia sẻ ngắn gọn điều bạn rút ra, có thể lồng chuyên môn vào nhẹ nhàngĐừng cố biến nó thành lời khuyên. Hãy viết như đang nghĩ thành lời
2. Ví dụ bài viết mẫu hoàn chỉnh
Mở bài – Một tình huống khiến mình ngờ vực chính mình
Cách đây vài tháng, mình có buổi tư vấn 1:1 với một khách hàng tiềm năng. Trước buổi hẹn, người đó nhắn tin rất hào hứng, bảo rằng đã đọc bài viết của mình từ lâu và rất mong được làm việc cùng. Mình chuẩn bị kỹ, lắng nghe kỹ, và tư vấn bằng tất cả sự tận tâm. Buổi nói chuyện kết thúc trong sự vui vẻ. Người đó còn bảo: “Em rất ấn tượng với cách chị làm việc.” Mình nghĩ thầm: chắc chắn chốt đơn. Nhưng sau đó, không một tin nhắn nào. Không phản hồi. Không “cảm ơn chị”, cũng không “em sẽ suy nghĩ thêm”. Chỉ là một khoảng lặng bất ngờ.
Thân bài – Phản tư và nhận ra góc nhìn sai lệch
Ban đầu, mình hụt hẫng. Rồi mình bắt đầu tự nghi ngờ: Liệu mình đã nói gì chưa đủ? Liệu họ không thấy mình đủ tin cậy? Hay mình nên giảm giá để khách bớt do dự?
Nhưng rồi, một buổi tối, khi đang cuộn lên đọc lại tin nhắn cũ với chính người chồng hiện tại của mình, mình bật cười. Ngày xưa, lần đầu tiên gặp anh ấy, mình cũng thấy dễ mến. Nhưng mất gần 2 tháng trò chuyện và vài lần gặp lại sau đó, mình mới dám... trả lời tin nhắn dài hơn một câu. Mình nhận ra: kể cả trong tình yêu, để gật đầu bước vào một mối quan hệ cũng cần thời gian, sự lắng nghe, và cảm giác đủ an toàn.
Vậy tại sao mình lại kỳ vọng khách hàng sẽ “ra quyết định” chỉ sau một buổi nói chuyện đầu tiên?
Kết bài – Bài học để điều chỉnh kỳ vọng và cách xây mối quan hệ
Từ lần đó, mình thôi mong khách sẽ chuyển khoản ngay sau một cuộc tư vấn. Mình bắt đầu thiết kế lại hành trình nội dung của mình: bài đầu tiên là để khách nhận diện, bài thứ hai là để họ đồng cảm, bài thứ ba giúp họ hiểu cách mình làm việc, và buổi tư vấn chỉ là một điểm chạm – chứ không phải đích đến.
Không phải khách không cần mình. Họ chỉ đang cần thêm thời gian để thấy mình là người phù hợp. Cũng như mình từng cần thời gian để tin một người xa lạ có thể trở thành người đồng hành.
Nếu bạn từng thấy chạnh lòng vì khách không mua sau buổi đầu gặp gỡ, có thể bạn không sai. Chỉ là bạn đang vội… với chính mình.
3. LƯU Ý KHI DÙNG CẤU TRÚC STORY-DRIVEN INSIGHT
Không cần drama. Một tình huống nhỏ, nếu đủ thật, cũng có sức chạm sâu
Phần “phản tư” là nơi tạo nên chiều sâu, đừng kể mà không nghĩ
Kết thúc không cần dạy ai điều gì. Chỉ cần cho người ta một góc nhìn mới để suy ngẫm
Rất phù hợp cho bài viết chuyên môn mềm: content marketing, thương hiệu cá nhân, hành trình làm nghề...
Cấu trúc 2: Break False Belief
(Phá vỡ niềm tin sai bằng storytelling)
Đây là một cấu trúc kể chuyện rất hiệu quả với các bài viết mang tính giáo dục, khai sáng tư duy – đặc biệt khi bạn cần thay đổi cách nhìn của người đọc về một vấn đề quen thuộc.
Thay vì nói “bạn đang hiểu sai”, cấu trúc này giúp bạn dẫn dắt người đọc đi qua một hành trình nhận thức mới – một cách nhẹ nhàng, hợp lý và dễ đồng cảm.
Bố cục bài viết theo 3 tầng rõ ràng:
MỞ: Đặt ra một niềm tin sai phổ biến mà người đọc từng tin (hoặc bạn từng tin)
THÂN: Phân tích vì sao điều đó không đúng, đưa ra ví dụ, ví von để minh hoạ
KẾT: Đưa ra niềm tin đúng thay thế + kết nối với góc nhìn chuyên môn
Cấu trúc này phù hợp cho:
Bài viết xây tư duy nền tảng trong ngành (content, branding, coaching, therapy…)
Bài phản biện góc nhìn phổ biến
Bài viết chuyển đổi mindset trước khi bán hàng
Nội dung khơi gợi suy nghĩ, dễ share vì “gãi đúng chỗ ngứa”
1. HƯỚNG DẪN TRIỂN KHAI TỪNG BƯỚC
BƯỚC 1 – MỞ: Nêu một niềm tin sai mà người đọc hay gặpBạn có thể mở bằng câu hỏi, ví dụ phổ biến, hoặc lời tự sự: “Mình từng nghĩ…”Chọn những niềm tin nghe có vẻ hợp lý nhưng thực tế gây hiểu nhầm
BƯỚC 2 – THÂN: Phân tích vì sao niềm tin đó saiDùng logic + ví dụ cụ thể (càng thực tế càng tốt)Tốt nhất là ví dụ gần gũi: yêu đơn phương, người yêu cũ, đòi cưới khi mới gặp…Có thể lồng ẩn dụ, so sánh để làm bật vấn đề
BƯỚC 3 – KẾT: Gợi ra một niềm tin mới, đúng đắn hơnKhông cần áp đặt, chỉ cần để người đọc thấy: “À, hóa ra mình nhìn sai góc”Kết bằng một mô hình, lộ trình, hoặc lời nhắn nhẹ nhàng
2. VÍ DỤ BÀI VIẾT MẪU HOÀN CHỈNH
2. Ví dụ bài viết mẫu hoàn chỉnh
Mở bài – Một niềm tin sai nhiều người từng có
Mình từng tin rằng chỉ cần làm nội dung thật tử tế, có tâm và chia sẻ giá trị thật thì khách hàng sẽ tự tìm đến. Mỗi bài viết mình đăng lên đều rất chỉn chu. Dẫn dắt đàng hoàng. Phân tích rõ ràng. Kết bài có lời khuyên nhẹ nhàng. Mình không bán hàng, không thúc ép, không kêu gọi ồn ào. Nhưng sau vài tuần, rồi vài tháng, mình bắt đầu thắc mắc: vì sao không ai inbox hỏi thêm? Vì sao không ai nói “mình đọc bài bạn thấy tin”? Vì sao dù bài viết vẫn có lượt like nhưng công việc thì không tiến thêm?
Thân bài – Phân tích sự thật và bước ngoặt nhận thức
Lúc đó mình đổ lỗi cho thuật toán. Đổ lỗi cho thời điểm. Đổ lỗi cho việc mình chưa đủ nổi tiếng. Nhưng rồi một ngày, một người bạn hỏi thẳng: “Mày đang xây mối quan hệ hay đang tỏ tình đơn phương?” Câu đó như cái tát tỉnh thức.
Mình nhận ra những bài viết của mình giống hệt việc viết thư tình giấu tên. Người nhận có thể thấy dễ thương nhưng không biết ai gửi. Không có lý do để hồi đáp. Không có kết nối nào được nuôi dưỡng.
Mình chỉ đang đứng một chỗ, vẫy tay thật đẹp, mong khách chủ động bước lại. Nhưng mình không tạo lối đi. Không hỏi thăm. Không gợi mở. Mình cứ nghĩ giá trị sẽ tự lan toả. Nhưng thực tế là giá trị không tự tạo quan hệ. Người ta cần thời gian để cảm thấy an toàn, để tin tưởng, để gắn bó. Và điều đó không đến từ một bài viết chạm tim rồi thôi.
Kết bài – Niềm tin mới và chiến lược thay thế
Từ đó, mình thay đổi. Mỗi bài viết không còn là một lời độc thoại đẹp đẽ, mà là một mảnh nhỏ trong hành trình tạo dựng mối quan hệ. Mình bắt đầu nghĩ tới các điểm chạm. Bắt đầu phân tầng nội dung. Biết bài nào là để thu hút, bài nào là để xây dựng niềm tin, bài nào là để trả lời câu hỏi tiềm ẩn trong đầu khách. Mình học cách đi từng bước thay vì đứng một chỗ và chờ.
Nếu bạn cũng đang viết mỗi ngày nhưng vẫn không có khách, đừng vội nghĩ mình không đủ tốt. Có thể bạn chỉ đang yêu thầm người đọc, trong khi họ chưa từng có cơ hội nhận ra bạn thực sự là ai.
3. LƯU Ý KHI DÙNG CẤU TRÚC BREAK FALSE BELIEF
Niềm tin sai phải phổ biến và gần với người đọc – nếu không, họ sẽ không thấy liên quan
Không dìm – không dạy đời – không "tấn công tư duy" người đọc
Cần chuyển hoá nhẹ nhàng, có logic, và có sự thừa nhận “mình cũng từng nghĩ vậy”
Lý tưởng để làm content chuyển đổi tư duy trước khi bán: coach, mentor, chuyên gia giáo dục…
Cấu trúc 3: Teaching Story (Giáo dục qua kể chuyện)
Đây là dạng bài đặc biệt phù hợp với chuyên gia, người làm nghề hoặc những ai đang muốn hệ thống lại kinh nghiệm thành phương pháp có thể chia sẻ. Teaching Story giúp bạn không chỉ chia sẻ kiến thức, mà còn cho người đọc thấy: bạn hiểu hành trình của họ, đã từng trải qua những khúc mắc tương tự, và có một cách tiếp cận rõ ràng để dẫn đường.
Cấu trúc gồm ba phần rõ ràng:
MỞ: Đặt bối cảnh thực tế hoặc dữ kiện khiến người đọc gật gù "đúng là như vậy"THÂN: Chia nhỏ vấn đề thành lộ trình hoặc chiến lược từng bướcKẾT: Nhấn mạnh lý do cần đi đủ từng bước, gợi mở sai lầm thường gặp nếu bỏ qua
Phù hợp cho:– Bài chia sẻ framework, quy trình làm nghề– Bài hướng dẫn hành động cụ thể– Bài viết chuẩn bị cho chương trình tư vấn, mini workshop– Nội dung bán hàng tinh tế: cho thấy bạn có phương pháp, không bán chung chung
1. Hướng dẫn triển khai từng bước
Bước 1 – MỞ: Mô tả một tình huống thực tế, nỗi đau phổ biến hoặc sự quá tải thông tinCó thể dẫn dắt bằng số liệu, câu chuyện khách hàng thật hoặc chính trải nghiệm của bạnGợi mở bối cảnh khiến người đọc thấy “đúng, mình cũng đang như vậy”
Bước 2 – THÂN: Đưa ra lộ trình hoặc chiến lược bạn dùngKhông cần phức tạp – chỉ cần rõ ràngMỗi bước nên gắn với hành vi hoặc cảm xúc người đọc sẽ gặpNên dùng động từ hành động, ví dụ: “Gây chú ý – Xây tin – Gợi nhu cầu – Mời mua”
Bước 3 – KẾT: Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đi từng bướcNêu một lỗi phổ biến khi làm sai hoặc bỏ sótGợi mở kết nối tới sản phẩm hoặc dịch vụ nếu cần (nhẹ nhàng)
2. Ví dụ bài viết mẫu hoàn chỉnh
Mở bài – Đặt bối cảnh và gợi vấn đề phổ biến
Hiện tại, người tiêu dùng mỗi ngày tiếp xúc với hơn 10.000 mẩu nội dung khác nhau. Họ không nhớ bạn là ai chỉ vì một bài viết viral. Họ cần nhiều hơn thế để đưa ra một quyết định mua – dù đó chỉ là một khoá học vài trăm ngàn hay một gói tư vấn chuyên sâu. Điều này đúng với cả chính mình. Mình từng follow một chuyên gia suốt 4 tháng, đọc gần 10 bài viết, nghe podcast và chỉ bắt đầu inbox khi thấy một buổi mini class có đúng vấn đề mình đang tìm.
Thân bài – Đưa ra chiến lược cụ thể theo từng bước
Từ kinh nghiệm làm nghề và quan sát hành vi khách hàng, mình đúc kết lại một lộ trình 5 bước mà mọi chiến lược nội dung hiệu quả đều có:
Gây chú ý: Một bài viết viral – giúp người đọc thấy “à, người này nói đúng điều mình đang nghĩ”
Tạo tin tưởng: Những bài chia sẻ đều đặn, thể hiện bạn là người làm thật – không chỉ viết cho vui
Chạm chuyên sâu: Một bài phân tích, một post "mini class", hoặc một video hướng dẫn giúp khách cảm nhận được năng lực thực sự của bạn
Tạo trải nghiệm: Cho khách thử, inbox tư vấn, hoặc dẫn dắt họ tham gia một chuỗi nội dung
Mời mua: Đặt lời mời rõ ràng sau khi khách đã đủ hiểu – đủ tin – đủ quan tâm
Kết bài – Nhấn mạnh rủi ro khi bỏ sót và gợi mở định hướng
Nếu bạn bỏ qua bước 2 hoặc 3, khách hàng sẽ thấy bạn thú vị, nhưng không đủ lý do để chọn bạn. Họ sẽ vẫn lướt qua. Họ sẽ vẫn like bài. Nhưng không hành động. Không inbox. Không mua. Và điều này không phải vì bạn thiếu giá trị – mà vì bạn thiếu lộ trình tiếp cận. Viết bài không khó. Nhưng viết để khách đi từng bước – từ ấn tượng sang tin tưởng rồi hành động – thì cần chiến lược. Nếu bạn đang đi một mình và chưa biết nên bắt đầu từ đâu, mình gợi ý: hãy vẽ lại hành trình khách hàng của bạn trước. Từng bước. Rõ ràng. Cụ thể. Chậm mà chắc. Khách không cần bạn hoàn hảo. Họ cần bạn có lối đi rõ ràng để họ bước theo.
3. Lưu ý khi dùng cấu trúc Teaching Story
Chỉ nên dùng khi bạn có một phương pháp hoặc trải nghiệm thật sự rõ ràngTránh liệt kê khô khan – mỗi bước nên gắn với cảm xúc, hình ảnh hoặc hành vi cụ thểCó thể dùng để dọn đường cho việc mời gọi hành động (như đăng ký workshop, nhận ebook, đặt lịch tư vấn…)
Lời nhắn nhỏ: Bạn đừng cố dạy tất cả chỉ cần giúp người đọc “nhận ra một cách làm đúng hơn” là đủ. Viết giỏi không phải là dùng từ hoa mỹ. Viết giỏi là khi người ta dừng lại giữa vô số thứ trên newsfeed, đọc đến dòng cuối cùng và nghĩ: “Ừ, bài này như viết cho mình vậy.”
Muốn làm được điều đó, bạn không cần phải là nhà văn. Bạn chỉ cần học cách kể lại những điều mình từng thấy, từng nghĩ, từng trải qua một cách đủ thật, đủ gần và đủ tinh.
Ba cấu trúc bạn vừa đọc chỉ là điểm khởi đầu. Khi bạn viết quen tay, bạn sẽ tự thấy: mỗi câu chuyện trong đời sống, mỗi cuộc trò chuyện với khách, mỗi lần lỡ cơ hội đều có thể biến thành một bài viết khiến người khác gật gù, tin tưởng, rồi chủ động bước lại gần bạn.
Vì sau cùng, người ta không mua kiến thức. Người ta chọn đồng hành với một người khiến họ cảm thấy được thấu hiểu, được tin, và được dẫn đường.
Bạn đã có câu chuyện. Việc tiếp theo là kể nó sao cho có sức lan tỏa. Và mình tin: bạn có thể làm được điều đó theo cách riêng của chính bạn.