Trong kinh doanh chuyên môn: Người ta không chọn người giỏi nhất. Mà...
The Visibility Ladder – Ba tầng xây thương hiệu cho chuyên gia muốn kinh doanh độc lập
“Nếu mình viết nhiều hơn chắc đã chốt được rồi…” Một câu thở dài, nhưng rất thật của một chị chuyên gia nhân sự trong phiên 1:1 với mình tuần trước.
Chị là người có profile gần như “không có điểm chê”: hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành HR, từng xây dựng hệ thống nhân sự cho các công ty quy mô hàng trăm người, từng là partner cấp cao tại một tập đoàn lớn.
Năm nay, chị muốn “ra riêng”, phát triển dịch vụ tư vấn độc lập dưới tên mình. Chị chuẩn bị kỹ lưỡng: lên gói dịch vụ, làm lại CV, viết một bản giới thiệu chuyên môn khá chỉn chu.
Mọi thứ tưởng như ổn cho tới khi chị kể lại một chuyện khiến mình tiếc thay và suy nghĩ mãi.
Ba tuần trước, có một đối tác tiềm năng inbox hỏi về dịch vụ. Chị gửi báo giá. Rồi... họ im lặng.Vài ngày sau, chị thấy bên đó đăng bài giới thiệu một chuyên gia khác đúng ở vị trí chị kỳ vọng sẽ được nhận.Hỏi dò mới biết: “Bên kia chọn chị khác vì thấy chia sẻ đều đặn, có case study rõ ràng, nên tin tưởng hơn.”
Chị không hề kém.Chị chỉ… chưa kịp hiện diện.Và vì thế, chị không được chọn.
Nếu bạn là một chuyên gia đang trên hành trình phát triển sự nghiệp độc lập, mình tin bạn sẽ nhìn thấy một phần bản thân trong câu chuyện này.
Bạn có thể cũng từng:
Chuẩn bị dịch vụ rất kỹ nhưng không ai inbox
Bị khách “bỏ qua” dù bạn có chuyên môn hơn người được chọn
Chần chừ chia sẻ vì sợ chưa đủ “tầm ảnh hưởng” hay “chưa sẵn sàng”
Hôm nay, bài viết này không nhằm khiến bạn lo lắng hơn. Nó được viết ra để cho bạn thấy một sự thật mới trong thế giới chuyên gia:
Người ta không chọn người giỏi nhất. Người ta chọn người họ nhìn thấy thường xuyên nhất.
Khách hàng ngày nay, học “scan”, họ không “săn”.
Trong quá khứ, bạn chỉ cần làm tốt công việc, thị trường sẽ tự biết đến bạn. Nhưng giờ đây?
Khách hàng (hay đối tác tiềm năng) không có thời gian để ngồi phân tích bạn có thật sự giỏi hay không. Họ không đọc hết CV. Họ không hỏi ai đó kiểm chứng. Họ nhìn vài yếu tố đơn giản:
Bạn có hiện diện không?
Bạn chia sẻ điều gì gần đây?
Bạn từng làm điều tương tự chưa?
Có tín hiệu nào cho thấy bạn làm thật, biết thật, sống thật với chuyên môn đó không?
Nếu không thấy, họ bỏ qua.Không phải vì bạn không giỏi, mà vì họ không có lý do để chọn bạn.
Và cũng không ít người giỏi tự giới hạn mình bằng những niềm tin sai:
“Tôi làm trong âm thầm, không thích phô trương.”→ Nhưng nếu bạn không kể câu chuyện của mình, người khác sẽ kể theo cách có lợi cho họ hơn.
“Chờ khi nào mình sẵn sàng rồi mới chia sẻ.”→ Nhưng khách hàng đâu chờ bạn sẵn sàng. Họ chọn từ những người đã sẵn sàng hoặc ít nhất, trông có vẻ sẵn sàng.
Ngày nay, niềm tin không chỉ đến từ danh tiếng mà từ chuỗi nội dung bạn tạo ra đều đặn.
Viết đều – không phải chỉ để viral.Viết đều để người ta có lý do để ra quyết định.
Bạn không cần nổi tiếng.Bạn chỉ cần được biết đến đúng cách.
Nhưng tại sao người giỏi lại thường… không chia sẻ?
Bạn có từng tự hỏi:Tại sao những người có chuyên môn vững, kinh nghiệm thật, thành quả rõ… lại là những người chia sẻ ít nhất?
Mình hỏi điều này trong gần 50 cuộc tư vấn 1:1 với các chuyên gia thời gian qua. Và có 3 lý do xuất hiện lặp đi lặp lại:
1. “Tôi chưa đủ tầm để chia sẻ.”
Nhiều người tin rằng phải thật “giỏi”, thật “nổi tiếng” mới được phép lên tiếng. Họ so sánh mình với những cái tên lớn trong ngành và thấy... mình chưa đủ.
Nhưng thật ra, bạn không cần là “bậc thầy toàn ngành” để được chia sẻ.Bạn chỉ cần đi trước người đọc một vài bước và có trải nghiệm thật với điều mình nói.
Khi bạn nói điều đúng từ trải nghiệm thật, nó sẽ chạm được người cần.
2. “Tôi không biết chia sẻ gì và chia sẻ như thế nào.”
Không ít chuyên gia có hàng chục năm kinh nghiệm nhưng lại mắc kẹt trong một mớ kiến thức chồng chéo trong đầu.
Không phải vì họ thiếu kiến thức.Mà vì họ chưa hệ thống hóa lại để thấy:
→ điều gì nên chia sẻ
→ điều gì có giá trị
→ và điều gì người ngoài cần chứ không phải điều mình thích.
Tin tốt là: Việc này có thể rèn luyện.Bạn không cần trở thành content creator. Bạn chỉ cần bắt đầu từ một câu hỏi thật mà khách hàng từng hỏi bạn.
3. “Tôi không giỏi viết hoặc viết mãi chẳng ai đọc.”
Thật ra, viết tốt không quan trọng bằng viết đều và đúng đối tượng.Thứ bạn cần không phải là “bài viết hay” mà là chuỗi tín hiệu rõ ràng cho thấy bạn đang thật sự hoạt động trong lĩnh vực mình chọn.
Bản thân bạn không cần viết “deep” ngay từ đầu.Một status kể lại tình huống làm việc, một bài chia sẻ góc nhìn ngắn, một mẫu mini case cũng đủ tạo nên dấu hiệu đáng tin.
Chờ giỏi rồi mới chia sẻ = chờ có cơ bụng mới đi tập gym.
Nhưng bạn càng không chia sẻ, thì thị trường càng không có gì để tin bạn “giỏi thật”.
Chúng ta vẫn hay nói đến “thương hiệu cá nhân”, nhưng ít ai nói rõ: Thương hiệu đó bắt đầu từ đâu? Xây thế nào? Và từng bước chuyển hoá ra sao trong mắt người nhìn thấy bạn lần đầu?
Nếu bạn đang làm dịch vụ độc lập, hoặc chuẩn bị bước ra khỏi tổ chức để xây một hệ sinh thái mang tên mình, bạn sẽ cần một lộ trình. Không phải để nổi tiếng, mà để được thấy, được tin, và được chọn.
Mình gọi đó là The Visibility Ladder – một mô hình ba tầng giúp bạn xây sự hiện diện theo cách rõ ràng, chắc chắn và có khả năng tạo chuyển đổi.
The Visibility Ladder – Ba tầng xây thương hiệu cho chuyên gia muốn kinh doanh độc lập
Tầng 1 – Minimum Proof: Dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạn là “người thật, làm thật”
Phần lớn chuyên gia khi mới bắt đầu thường rơi vào trạng thái “ẩn hình”. Không phải vì họ không có năng lực, mà vì họ chưa cho thị trường thấy bất kỳ dấu hiệu nào để biết họ tồn tại và đang làm gì.
Bạn có thể đã làm việc trong ngành cả chục năm, nhưng nếu một người lạ truy cập vào trang cá nhân của bạn và không tìm được dòng mô tả rõ ràng, không thấy một bài chia sẻ nào thể hiện bạn đang hoạt động trong lĩnh vực đó, không tìm thấy một ví dụ thực tế nào bạn từng làm… thì rất tiếc, bạn gần như không có mặt trong tâm trí họ.
Tầng 1 không đòi hỏi bạn viết hay hay nói giỏi. Nó chỉ đòi hỏi bạn cho thấy: “Tôi là ai. Tôi đang làm gì. Tôi từng giúp ai giải quyết vấn đề gì.”Một bio ngắn gọn, vài bài viết thể hiện tư duy, và một ví dụ cụ thể bạn từng xử lý, dù chỉ là một tình huống nhỏ cũng đủ để tạo ra “điểm chạm đầu tiên” để người khác bắt đầu để mắt đến bạn.
Điều quan trọng ở tầng này là sự thật không màu mè. Người đọc không tìm một người hoàn hảo. Họ chỉ muốn biết: bạn có thật sự sống với thứ bạn đang nói hay không?
Nếu bạn chưa có gì, hãy bắt đầu đơn giản:
Bio rõ ràng: Nêu lĩnh vực chuyên môn, ai bạn phục vụ, vấn đề bạn giải quyết
→ Gợi ý: “Tôi giúp [ai] giải quyết [vấn đề gì] bằng [năng lực gì]”
Bắt tay vào viết 3–5 bài viết cơ bản: Chia sẻ góc nhìn, trải nghiệm, hoặc tư duy riêng trong lĩnh vực bạn làm
→ Gợi ý: Viết lại câu hỏi khách từng hỏi, hoặc case nhỏ bạn từng xử lý
Không cần hay, chỉ cần chân thật là được.
Tầng 2 – Trust Signals: Những dấu hiệu khiến người ta tin tưởng và bắt đầu cân nhắc hợp tác
Khi đã có sự hiện diện ban đầu, bạn cần một điều lớn hơn: niềm tin. Nhưng niềm tin không đến từ việc bạn tự nói mình giỏi, mà đến từ việc người ta được thấy bạn liên tục làm điều bạn nói. Không phải ồ ạt, mà đều đặn. Không phải màu mè, mà chân thực.
Đây là tầng mà bạn bắt đầu duy trì sự hiện diện nhất quán. Mỗi tuần một vài bài chia sẻ, không cần dài, nhưng có chiều sâu. Nội dung xoay quanh 3 trục:
góc nhìn, quan sát trong ngành
kinh nghiệm làm việc
một câu hỏi khách hàng hay hỏi bạn.
Người ta cũng muốn thấy bạn “đang làm thật”: những hình ảnh hậu trường, một đoạn phản hồi ngắn từ khách cũ, một mẩu công việc bạn đang triển khai. Mỗi mảnh ghép đó, lặp lại đủ lâu, sẽ tạo thành một hình ảnh đáng tin: “Người này không chỉ nói, mà còn làm. Không chỉ chia sẻ, mà thật sự sống với nghề.”
Khi bạn làm đủ ở tầng hai, người ta sẽ bắt đầu chủ động nghĩ đến bạn khi có nhu cầu. Họ sẽ inbox hỏi thử, hoặc gửi bài viết của bạn cho người cần nó. Bạn không cần “bán” gì cả, vì sự hiện diện của bạn đã làm điều đó thay bạn.
Tuần này, hãy chọn một bài bạn từng viết, viết lại caption tốt hơn, gắn thêm một ảnh hậu trường hoặc phản hồi từ khách hàng thật. Nếu chưa có bài nào, hãy đặt lịch viết 2 post trong 2 tuần tới: một bài kể chuyện nghề, một bài chia sẻ một góc nhìn riêng về ngành. Bạn không cần viết nhiều, bạn cần hiện diện đều.
Tầng 3 – Trust & Action: Tầng chuyển hoá, nơi bạn không chỉ được tin, mà còn được chọn
Nhiều chuyên gia dừng lại ở tầng hai rất lâu. Họ viết đều, chia sẻ tốt, tương tác ổn, nhưng không có khách hàng thực sự đến từ nội dung. Không có chuyển hoá.
Vì sao?Vì nội dung vẫn đang dừng ở mức “chia sẻ”. Thiếu điểm nhấn, thiếu dẫn dắt, và thiếu cảm giác khẩn thiết để người đọc hành động.
Tầng ba không đòi hỏi bạn phải dạy thứ gì cao siêu. Nhưng nó đòi hỏi bạn biết hệ thống hoá cách làm của mình thành một framework, một quy trình, một cách tiếp cận riêng. Khi bạn chia sẻ điều đó ra, kể cả ở dạng rất giản dị, bạn đang tạo nên dấu hiệu rất mạnh: “Tôi không chỉ có kinh nghiệm. Tôi có phương pháp.”
Đây là lúc bạn có thể đưa ra lời mời gọi: một buổi chia sẻ miễn phí, một bản mẫu bạn từng dùng cho khách thật, một mô hình bạn tự đúc kết. Khi bạn cho đi đúng lúc với đúng chiều sâu, người đọc sẽ nhận ra giá trị bạn mang lại không chỉ là kiến thức, mà là năng lực dẫn dắt họ đến một kết quả thực sự.
Bạn không cần là người giỏi nhất ngành. Nhưng khi bạn thể hiện được tư duy riêng, hệ thống riêng, cách làm riêng, bạn trở thành người phù hợp với một nhóm khách hàng nhất định. Và với họ, bạn không còn là một trong nhiều lựa chọn. Bạn là lựa chọn đúng.
Bạn có thể bắt đầu bằng một khung ba bước bạn thường dùng để xử lý công việc, vẽ lại, viết ra, đăng một bài chia sẻ đơn giản với câu kết: “Đây là cách tôi thường giúp khách hàng vượt qua bước này”. Nếu thấy sẵn sàng hơn, hãy làm thử một buổi live ngắn, không cầu kỳ, chỉ cần bạn thật sự muốn dẫn dắt người khác đi xa hơn.
Xây hiện diện không phải là cuộc đua tốc độ.Đó là hành trình của sự rõ ràng, đều đặn, và có chiến lược.
Bạn không cần “nhảy vọt” lên tầng ba. Chỉ cần hôm nay bạn bắt đầu tạo dấu hiệu ở tầng một là bạn đã hơn rất nhiều người giỏi nhưng đang giấu mình.
Không có tầng nào là cao quý hơn tầng nào.Có chăng là sự chủ động xây từng tầng một cách thật, đều, và đúng hướng.
Lời nhắn cuối bài: Cơ hội không đợi bạn viết xong rồi mới tới
Có những cơ hội chỉ đến một lần. Có những khách hàng sẽ không quay lại lần thứ hai để “xem thử bạn đã hiện diện đủ chưa”.
Trong thế giới của chuyên gia làm nghề tự do, giỏi thôi là chưa đủ. Bạn cần được thấy, được tin, và được chọn. Nhưng điều đó không đến trong một đêm. Nó đến từ những tín hiệu nhỏ, đều đặn, thật mà bạn gửi ra mỗi tuần, mỗi tháng.
Bạn không cần nổi tiếng.Bạn chỉ cần đủ rõ để người cần bạn nhận ra bạn đúng thời điểm.
Nếu bạn đang thấy mình giống người chị trong câu chuyện đầu bài… Có chuyên môn thật, có kinh nghiệm sống đáng giá, nhưng chưa biết nên bắt đầu từ đâu, xây gì trước và làm sao để nội dung của mình chạm được đúng người…
Mình mời bạn một buổi tư vấn miễn phí 30 phút. Chúng ta sẽ ngồi lại, xem bạn đang ở đâu trong hành trình hiện diện, đâu là bước phù hợp nhất để khởi động và làm sao để thương hiệu cá nhân của bạn không còn mờ nhạt trước những cơ hội nên thuộc về bạn.
Bài này đúng thông điệp đúng thời điểm tới quá, đọc mà em thấy đã thật!