Tại sao nội dung mình viết không ai đọc?
Bạn có thực sự hiểu và đồng cảm với độc giả của mình chưa?
Mình sẽ mở bài bản tin tuần này bằng câu chuyện của một chuyên gia về Parenting mà mình từng tư vấn. Ban đầu, bạn ấy dựa vào các công cụ như Chat GPT để thu thập thông tin về các vấn đề mà độc giả gặp phải. Sau đó, bạn chia sẻ những nội dung đó kèm kiến thức và xu hướng mà bản thân quan tâm, nhưng kết quả là không ai tương tác với bài viết. Bạn cũng không bán được sản phẩm nào. Bạn rơi vào tình trạng nghi ngờ năng lực bản thân và muốn từ bỏ sự nghiệp solo.
Sau khi làm việc với mình và nhận yêu cầu phỏng vấn lại độc giả để thu thập insight, bạn ấy bắt đầu thực sự lắng nghe độc giả. Bạn thực sự liên hệ phỏng vấn, trò chuyện 1:1 với độc giả. tìm hiểu xem họ thực sự cần hỗ trợ về vấn đề gì.
Bạn dựa vào những thông tin đã thu thập được và tạo ra những nội dung rất thiết thực và có giá trị cho nhóm độc giả tiềm năng. Kết quả là đã thu hút được 6 khách hàng mới chỉ sau một tuần ra mắt sản phẩm. Câu chuyện này là minh chứng rõ ràng cho tầm quan trọng của việc đồng cảm và thấu hiểu khách hàng trong việc tạo ra nội dung có giá trị.
Chúng ta thường có xu hướng chia sẻ những gì mình thích hoặc quan tâm, mà không thực sự cân nhắc đến nhu cầu của độc giả. Tuy nhiên, sự thật là:
Độc giả không tin vào những gì chúng ta tin vì họ có hệ giá trị và quan điểm riêng, và không phải lúc nào cũng đồng nhất với chúng ta.
Họ không biết những gì chúng ta biết. Những kiến thức mà chúng ta coi là hiển nhiên có thể là điều hoàn toàn mới mẻ với họ. Họ đâu cùng chuyên môn, nền tảng với chúng ta.
Họ không muốn những gì chúng ta muốn. Thực tế, nhu cầu và mong muốn của họ có thể khác xa so với những gì chúng ta nghĩ.
Vì vậy, để tạo ra nội dung thực sự hữu ích và thu hút độc giả, chúng ta cần:
Nói thứ họ muốn nghe: Tìm hiểu và lắng nghe những vấn đề, nhu cầu thực sự của độc giả.
Nói ngôn ngữ họ có thể hiểu: Sử dụng cách diễn đạt và ngôn từ phù hợp với đối tượng độc giả, tránh việc quá chuyên sâu hoặc phức tạp.
Mang tới điều họ muốn: Cung cấp những thông tin, giải pháp, kiến thức mà độc giả thực sự mong muốn và cần.
Trong bản tuần này mình sẽ cùng bạn khám phá 1 công cụ giúp bạn dễ dàng khám phá insight, thấu hiểu độc giả với tên gọi Empathy map. Và công thức 5W1H để bạn hô biến những dữ liệu này thành nội dung. Mình tin với hai công cụ này, bạn sẽ không bao giờ bí ý tưởng, đồng thời mọi ý tưởng, bài viết của bạn sẽ được họ lắng nghe và theo dõi.
1. Hiểu cụ thể về độc giả bằng biểu đồ đồng cảm
Biểu đồ đồng cảm (Empathy map) là một công cụ mạnh mẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khách hàng của mình, không chỉ qua những gì họ nói mà còn qua cảm xúc, suy nghĩ, và hành vi của họ.
Biểu đồ đồng cảm thường được chia thành 4 phần chính, mỗi phần tương ứng với một khía cạnh của khách hàng:
Nói (Says): Những gì khách hàng nói ra.
Nghĩ (Thinks): Những gì khách hàng suy nghĩ nhưng có thể không nói ra.
Làm (Does): Những hành động mà khách hàng thực hiện.
Cảm nhận (Feels): Những cảm xúc mà khách hàng trải qua.
Giờ thì mình sẽ hướng dẫn bạn sử dụng biểu đồ này để xây dựng hồ sơ khách hàng nhé.
Bước 1: Xác định mục tiêu
Trước khi bắt đầu, bạn cần xác định rõ mục tiêu của việc xây dựng hồ sơ khách hàng. Bạn muốn hiểu rõ về nhóm khách hàng nào? Họ đang gặp phải vấn đề gì? Mục tiêu này sẽ giúp bạn định hướng cho việc thu thập thông tin và phân tích khách hàng.
Bước 2: Thu thập dữ liệu
Sử dụng các công cụ và phương pháp thu thập dữ liệu mà mình đã đề cập ở phần trước, bạn có thể thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm phỏng vấn khách hàng, khảo sát, dữ liệu từ mạng xã hội, và phản hồi từ khách hàng. Dữ liệu này sẽ là nền tảng để bạn xây dựng biểu đồ đồng cảm.
Bước 3: Tạo biểu đồ đồng cảm
Biểu đồ đồng cảm thường được chia thành 4 phần chính, mỗi phần tương ứng với một khía cạnh của khách hàng. Cụ thể:
Nói (Says): Hãy ghi lại những lời nhận xét, phản hồi, và ý kiến của họ về sản phẩm/dịch vụ của bạn.
Nghĩ (Thinks): Đây là phần bạn cần suy luận dựa trên hành vi của họ hoặc bạn có thể trực tiếp hỏi họ nếu bạn có cuộc trò chuyện trực tiếp. Hãy tự hỏi, khách hàng đang suy nghĩ điều gì khi họ gặp phải vấn đề này? Họ lo lắng hay hy vọng điều gì?
Làm (Does): Hãy xem xét cách họ tương tác với sản phẩm/dịch vụ của bạn, từ việc tìm kiếm thông tin đến hành vi mua sắm. Họ thường làm gì khi gặp phải vấn đề mà sản phẩm của bạn giải quyết?
Cảm nhận (Feels): Hãy tìm hiểu xem họ cảm thấy như thế nào khi gặp phải vấn đề, hoặc khi sử dụng sản phẩm của bạn. Cảm xúc này có thể bao gồm sự hài lòng, thất vọng, phấn khích, hay lo lắng.
Để hiểu hơn cách làm, mời các bạn xem ví dụ sau nhé.
Bước 4: Phân tích và sử dụng kết quả
Sau khi hoàn thành biểu đồ đồng cảm, bạn sẽ có cái nhìn toàn diện và chi tiết về khách hàng của mình. Hãy lọc lại thông tin bị trùng lặp, tìm kiếm dữ liệu, vấn đề nổi cộm mà họ đang gặp phải và sử dụng những thông tin này để:
Cá nhân hóa nội dung: Tạo ra những nội dung gần gũi và phù hợp với suy nghĩ, cảm xúc, và hành động của khách hàng.
Xây dựng chiến lược marketing: Phát triển các chiến dịch tiếp thị dựa trên những điểm chạm cảm xúc mà khách hàng đang trải qua.
Cải thiện sản phẩm/dịch vụ: Điều chỉnh sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu và mong muốn của khách hàng.
2. Sử dụng công thức 5W1H để biến insight thành ý tưởng viết bài
Trong sáng tạo nội dung, mình thường hướng dẫn học viên áp dụng công thức 5W1H để tạo ra các ý tưởng chủ đề vì nó rất dễ làm.
Việc sử dụng công thức 5W1H sẽ giúp bạn phân tích insight khách hàng một cách có hệ thống, từ đó dễ dàng biến chúng thành những ý tưởng nội dung giá trị và phù hợp với độc giả. Điều này không chỉ giúp bạn tạo ra nội dung hấp dẫn mà còn giúp xây dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng thông qua sự thấu hiểu và đồng cảm.
Mỗi câu hỏi sẽ là một bài viết để bạn khai thác sâu hơn.