Sáng tạo nội dung - khi nào mệt quá thì NGHỈ!
Bạn tưởng tượng đơn giản não bộ của mình như một chiếc máy khoan, nó sẽ nóng và chập điện khi làm việc quá công suất. Hãy thử kiểm tra xem bạn có dấu hiệu kiệt sức nào không nhé!
Gần đây, mình có một chị khách hàng là chuyên gia, huấn luyện viên, giảng viên chuyên về làm cha mẹ tìm tới để xin lời khuyên.
Chuyện của chị là: “Chị luôn cố gắng xây dựng thương hiệu cá nhân để thu hút nhiều khách hàng tiềm năng hơn. Chị miệt mài sáng tạo nội dung cho website, mạng xã hội, và thường xuyên đăng bài chia sẻ lên các diễn đàn, cộng đồng.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm nỗ lực, chị dần cảm thấy mệt mỏi và sợ mạng xã hội. Chị chia sẻ, trong suốt 7 ngày trong tuần và chị liên tục phải ép bản thân sáng tạo nội dung chỉ để có cái đăng. Nhưng kết quả chị nhận được là sự kiệt quệ, mà khách hàng hay độc giả, độ nhận diện thương hiệu cũng không tăng trưởng đáng kể.”
Đây cũng là câu chuyện phổ biến của nhiều chuyên gia, huấn luyện viên khi chia sẻ nội dung và xây dựng sự uy tín. Nghe chị chia sẻ thêm về các dấu hiệu khác thì mình cho rằng chị đang gặp phải tình trạng kiệt sức trong sáng tạo nội dung.
Lý do dẫn tới kiệt sức thì nhiều:
Thiếu chiến lược và kế hoạch nội dung
Không cân bằng giữa công việc và cuộc sống, không nghỉ ngơi
Áp lực phải liên tục tạo ra nội dung
Sáng tạo nội dung không phản ánh bản thân, chuyên môn chỉ để có nội dung đăng
Không nhận lại kết quả hoặc phản hồi tích cực cho nỗ lực bỏ ra
Nhưng bạn biết không, lời khuyên của mình dành cho chị ấy ở thời điểm này không phải đi xử lý các gạch đầu dòng trên, mà là:
HÃY NGHỈ NGƠI ĐI!
Nghe thì thật buồn cười nhưng quả thật là khi bạn kiệt sức, thì bạn cố làm gì cũng không hiệu suất, mà cũng khó mà cho ra kết quả.
Nếu bạn chưa biết, thì não bộ của chúng ta không được thiết kế để hoạt động hiệu quả một cách liên tục. Các nghiên cứu cho thấy não người chỉ có thể tập trung tối đa 90-120 phút, sau đó bắt buộc phải nghỉ ngơi để khôi phục năng lượng và khả năng tập trung.
Theo TS. Daniel Levitin, tác giả cuốn sách não bộ học nổi tiếng "The Organized Mind", ép buộc não hoạt động quá sức có thể dẫn tới tình trạng kiệt sức và suy giảm chức năng nhận thức. Nếu bạn cố gắng ép não hoạt động sáng tạo kéo dài, nó sẽ dẫn đến việc suy giảm khả năng đưa ra quyết định, giải quyết vấn đề và sáng tạo nội dung chất lượng.
Bạn tưởng tượng đơn giản não bộ của mình như một chiếc máy khoan, nó sẽ nóng và chập điện khi làm việc quá công suất.
Chính vì vậy, lắng nghe nhu cầu của não và cho phép nó nghỉ ngơi là vô cùng quan trọng. Thay vì dành cả ngày cố gắng tạo ra nội dung, bạn nên làm theo "nhịp sinh học" của não bộ với những khoảng thời gian tập trung 90-120 phút, xen kẽ với 15-20 phút nghỉ ngơi.
Hãy thử tận dụng sức mạnh của tiềm thức!
Nếu bạn chưa biết, trong quá trình nghỉ ngơi, não vẫn đang hoạt động và xử lý thông tin. Đây chính là lúc các ý tưởng mới được kết nối, hình thành và phát triển.
Khi bạn ngừng làm việc để thư giãn não bộ, bạn đang cho phép tiềm thức hoạt động, hướng năng lượng vào quá trình sáng tạo. Chính điều này giúp cải thiện “sức mạnh thầm lặng” của não, đem lại nhiều hứng thú, ý tưởng mới lạ và những góc nhìn sáng tạo hơn cho công việc, đặc biệt là khi phải liên tục sản sinh nội dung.
Các nghiên cứu chỉ ra não vẫn hoạt động khi chúng ta nghỉ ngơi, ví dụ như giai đoạn REM khi ngủ giấc. Hoạt động não lúc này liên quan tới bộ nhớ, cảm xúc, sáng tạo và học tập.
Hay trong một nghiên cứu của ĐH Illinois (Mỹ) chỉ ra rằng, sau giai đoạn tập trung làm việc, nếu cho phép não nghỉ ngơi, hoạt động của vỏ não liên quan tới khả năng giải quyết vấn đề và sáng tạo ý tưởng sẽ tăng cao đột biến.
Nhà văn nổi tiếng J.K Rowling cũng đã tiết lộ bà đã nảy ra ý tưởng về series phim ăn khách Harry Potter khi đang ngồi trên chuyến tàu từ Manchester tới Luân Đôn. Đó chính là thời điểm não bộ được thư giãn, chuyển từ trạng thái tập trung cao độ sang trạng thái nghỉ ngơi dễ dàng đưa ra các ý tưởng mới lạ.
Đây cũng là lý thuyết để giải thích tại sao chúng ta thường nảy ra ý tưởng hay khi đi tắm, dọn dẹp nhà cửa, chạy bộ, hoặc làm việc không liên quan tới sáng tạo nội dung. Và trong 3 ngày nghỉ ốm này, tôi đã viết hơn 10 nghìn chữ cho tài liệu chuyên sâu, các nội dung social post cho tuần tới và 01 chiếc landing page dù ngày chỉ làm việc 5 tiếng.
Ngoài ra, não người cần được kích thích bằng những trải nghiệm mới mẻ thay vì luôn tập trung vào một công việc. Chính sự đa dạng trong cách kích thích não bộ giúp nuôi dưỡng sự sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề.
Thay vì suốt ngày chỉ tạo ra nội dung cho thương hiệu cá nhân, bạn nên dành thời gian cho những hoạt động khác như tập thể dục, tham quan du lịch, vui chơi giải trí. Việc này không chỉ giảm căng thẳng mà còn mang lại nhiều cảm hứng, kích thích não bộ rèn giũa kỹ năng sáng tạo.
Cuối cùng, đừng quên rằng con người là sinh vật xã hội. Suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh. Vì vậy, hãy dành thời gian giao lưu với những người bạn yêu mến, đồng nghiệp thân thiết hay cộng đồng chuyên môn để có thêm cảm hứng cho công việc. Các hoạt động này còn giúp cải thiện tâm trạng, suy nghĩ tích cực hơn. Chỉ khi thấy hạnh phúc, thoải mái thì bạn mới có thể sáng tạo ra những nội dung chân thành và chất lượng.
Hành trình xây dựng thương hiệu, tạo uy tín là hành trình dài, gắn liền với cuộc sống, công việc của chúng ta. Nên hãy nhớ rằng, sức khỏe, đam mê và niềm vui của chính bạn sẽ là yếu tố then chốt cho sự thành công bền vững của thương hiệu cá nhân bạn đang xây dựng.
Check-list dấu hiệu phát hiện tình trạng kiệt sức trong sáng tạo nội dung
Tặng bạn checklist dấu hiệu phát hiện tình trạng kiệt sức trong sáng tạo nội dung, bạn hãy đọc thật kỹ và đánh dấu những điều bạn đang gặp phải hoặc đang trải qua nhé.
Cảm thấy chán nản, mệt mỏi khi nghĩ về việc phải tạo nội dung
Hay trì hoãn và không muốn bắt tay vào việc sáng tạo nội dung
Thiếu động lực, khó tập trung khi làm việc, dễ phân tâm
Ý tưởng cạn kiệt, luôn mất nhiều thời gian để nảy ra ý tưởng mới
Chất lượng nội dung sút giảm, thiếu sáng tạo và chiều sâu
Thường xuyên bỏ dở công việc, không hoàn thành nội dung đúng hạn
Suy giảm trí nhớ, hay quên deadline, mắc lỗi sai sót trong nội dung
So sánh bản thân quá nhiều với người khác, cảm thấy tự ti, thiếu tự tin
Dễ cáu gắt, thiếu kiên nhẫn khi gặp trở ngại nhỏ trong công việc
Mất ngủ, ngủ không ngon giấc hoặc ngủ quá nhiều
Không có thời gian cho bản thân và các mối quan hệ
Không còn hứng thú với các sở thích, hoạt động giải trí như trước
Hay than phiền về công việc, cảm thấy kiệt sức, bí bách
Không tập trung được khi làm việc, thường suy nghĩ lung tung
Chế độ sinh hoạt không lành mạnh (ăn uống, sinh hoạt không điều độ)
Nếu có 7/15 dấu hiệu trở lên và kéo dài từ 2-3 tuần, bạn rất có thể đang bị kiệt sức đấy. Hãy ưu tiên nghỉ ngơi và lấy lại cân bằng trước nhé!
Và sau đây là một số mẹo nghỉ ngơi hiệu quả dành cho bạn:
Cho bản thân ngày nghỉ chăm sóc sức khỏe định kỳ: Dành ra ít nhất 1-2 ngày trong tuần để nghỉ ngơi hoàn toàn, không làm việc gì liên quan tới công việc. Thay vào đó hãy làm những việc bạn thực sự thích như đọc sách, nghe nhạc, làm vườn... hoặc thậm chí không làm gì cả.
Lên lịch trình biên tập nội dung chi tiết theo tháng/ tuần: Dành 1-2 tiếng đầu tuần để lên lịch cụ thể những nội dung cần tạo trong tuần. Chia thành từng thời gian biểu từng ngày và không đặt quá nhiều thứ trong 1 ngày để đảm bảo bạn có thời gian nghỉ ngơi sau mỗi đợt hoạt động sáng tạo.
Nếu bạn chưa biết cách lên chiến lược, kế hoạch nội dung hiệu quả, bạn có thể dành 2 tiếng để tham gia chương trình Masterclass của Visible You nhé. Bật mí ưu đãi dành riêng cho bạn đọc bản tin của Visible You chỉ còn 698.000 VND thay vì 1.698.000vnd như giá niêm yết.
Cân bằng giờ làm việc và nghỉ ngơi: Hạn chế làm việc quá 8 tiếng/ngày. Sau mỗi 90-120 phút tập trung làm việc cần cho phép bản thân nghỉ giải lao 15-30 phút để giải tỏa căng thẳng và tái tạo năng lượng cho não.
Chú trọng chất lượng nội dung hơn số lượng: Đặt mục tiêu nhỏ, vài bài viết mỗi tuần nhưng đảm bảo nội dung mang đến giá trị thực sự cho người đọc. Đừng ép buộc quá để rồi chỉ tạo ra nội dung nhạt nhẽo.
Nghỉ giải lao giữa các khoảng thời gian sáng tạo nội dung: Sau mỗi 1-2 tiếng, hãy đứng dậy khỏi bàn làm việc, duỗi cơ thể hoặc đi lại quanh phòng để lưu thông máu và ý tưởng cho não bộ.
Đảm bảo nội dung phù hợp với con người thật của bạn: Không nên viết những nội dung quá xa lạ so với kinh nghiệm, sở thích hay cảm nhận của bản thân chỉ vì nó đang hot. Hãy chia sẻ câu chuyện, lời khuyên dưới góc nhìn riêng của mình.
Và sau bài viết này, mình mong rằng nếu bạn hiểu đúng và không còn thấy tội lỗi khi tạm dừng và không tạo nội dung nữa. Nếu độc giả thực sự yêu thương và dõi theo hành trình của bạn, họ sẽ hiểu đó là điều thực sự cần và tốt cho chính bạn.
Vì vậy, hãy an tâm cho não nghỉ ngơi để lấy lại đam mê và khơi dậy sự sáng tạo trong nội dung của mình nhé!