Influencer - Nghề tay trái hái ra tiền
Hướng dẫn cần thiết giúp bạn tự tin dấn thân vào con đường trở thành Influencer.
Influencer marketing (tiếp thị người ảnh hưởng) bùng nổ trong một vài năm trở lại đây ở cả trên thế giới và Việt Nam. Nếu bạn dành ra 5 - 10 phút để tìm kiếm về “Influencer” (người ảnh hưởng) hay “Nghề Influencer” trên Google thì sẽ không khó để có thể tìm kiếm được hàng ngàn kết quả về ngành nghề này.
Nghề Influencer cũng dần quen thuộc và ngày càng thu hút sự chú ý của mọi người bởi sự tiềm năng về thu nhập, cũng như sự hỗ trợ đắc lực của nó trong các hoạt động kinh doanh và công việc khác. Trong bài viết này, bạn sẽ có được cái nhìn tổng quan về xu hướng, cơ hội của nghề, đồng thời phân tích các kỹ năng, bước đi cần thiết giúp bạn tới gần hơn với nghề Influencer.
1. Tổng quan về nghề
1.1 Định nghĩa về Influencer và tại sao lại cần Influencer
Theo từ điển Cambridge, định nghĩa về Influencer rất đơn giản và dễ hiểu. Tạm dịch: “Influencer là người có ảnh hưởng hoặc thay đổi cách cư xử, hành động của người khác.”
Sở dĩ họ có thể tạo ảnh hưởng tới người khác là bởi sự uy tín và độ tin cậy. Và sự uy tín, độ tin cậy này thường được hình thành từ những yếu tố sau:
Kiến thức chuyên môn, tài năng, hiểu biết, trải nghiệm về một mảng hoặc lĩnh vực nào đó.
Quyền hạn, vị trí và mối quan hệ gắn bó với khán giả, cộng đồng của mình.
Chính vì một Influencer có thể tác động tới cách cư xử và hành vi của người khác nên trong bối cảnh tiếp thị, các nhãn hàng thường thông qua sự uy tín, sức ảnh hưởng của Influencer để hỗ trợ, thúc đẩy hiệu quả, mục tiêu kinh doanh thương mại của mình.
Trong đó, Influencer sẽ sử dụng, trải nghiệm, chia sẻ hình ảnh hoặc ý kiến về sản phẩm, dịch vụ của công ty, nhãn hàng. Hoạt động này nhằm lan tỏa hình ảnh, tăng độ nhận diện thương hiệu, thay đổi thái độ người tiêu dùng và đặc biệt là thúc đẩy hành vi mua sắm của khách hàng.
Hoạt động này được trả tiền bởi tài trợ của nhãn hàng hoặc công ty nào đó. Lúc này họ được gọi là Paid Influencer. Tuy nhiên, Influencer cũng có thể hoàn toàn gửi đi thông điệp về sản phẩm và dịch vụ nhãn hàng của chính mình và họ được gọi là Earned Influencer.
1.2 Thị trường công việc
Tin tốt là không chỉ ở hiện tại mà còn trong tương lai, Influencer Marketing vẫn là một trong những công cụ tiếp thị mạnh mẽ nhất. 93% nhà tiếp thị đã sử dụng Influencer Marketing trong các chiến dịch của họ và hiện nó được coi là chiến lược quảng cáo quan trọng. Theo thống kê, báo cáo của 7SAT (**), tại Việt nam, hiện có 90% người được hỏi nói rằng họ tin vào lời giới thiệu của Influencer, trong khi đó chỉ có 36% nói họ tin vào quảng cáo. Những con số này đang là minh chứng rõ ràng nhất cho hiệu quả và tiềm năng của Influencer trong các hoạt động tiếp thị, kinh doanh trong suốt những năm qua và trong tương lai.
Kiếm tiền từ sức ảnh hưởng có thể được phân thành hai nhóm như sau:
Nhóm 1: Sử dụng sức ảnh hưởng để hỗ trợ các nhãn hàng quảng cáo sản phẩm, cụ thể: hợp tác với các nhãn hàng để giới thiệu, quảng cáo sản phẩm, nhận tiếp thị liên kết.
Nhóm 2: Tận dụng sức ảnh hưởng của mình kinh doanh sản phẩm, dịch vụ của riêng mình: Bán sản phẩm do công ty, tổ chức mình nghiên cứu sản xuất.
Trên thực tế, phương thức hoạt động và cách thức phát triển của hai nhóm có sự khác biệt nhất định, nhưng các Influencer có thể kết hợp và làm song song có hiệu quả hai loại hình này. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu tạo dựng sức ảnh hưởng, một Influencer nên lựa chọn một hướng đi nhất định và có kế hoạch tập trung phát triển nó nhất quán và bền vững. Sau khi đã phát triển và có một sức ảnh hưởng, kinh nghiệm trong ngành nghề phong phú hơn thì Influencer có thể cân nhắc kết hợp khéo léo hai loại hình tạo thu nhập này.
Trong đó, khi các Influencer phát triển theo nhóm một đã có kinh nghiệm, kiến thức hoàn toàn có thể tự mở khóa học hoặc đào tạo, tư vấn cho những người mới bắt đầu và thu tiền từ đó. Hoặc ngược lại, các Influencer ở nhóm hai có thể cân nhắc quảng cáo các sản phẩm mình đang sử dụng.
Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều công ty, tổ chức cũng mọc lên và cung cấp các dịch vụ liên quan tới Influencer như: kết nối Influencer và khách hàng, quản lý Influencer, trợ lý Influencer, Influencer consultant, Influence strategist, Influencer tool developer, Ghost-writing, v.v… Các công việc này không chỉ dành riêng cho Influencer mà còn phù hợp với bất cứ ai có khả năng và điều kiện để theo đuổi.
Những xu hướng này cho thấy rằng Influencer không chỉ đã, đang, mà còn sẽ có nhiều cơ hội, tiềm năng công việc nữa trong tương lai.
1.3 Thù lao ra sao
Khác với các công việc văn phòng, Influencer không nhất thiết được chi trả mức lương theo số năm kinh nghiệm, kỹ năng, tay nghề hay có một con số, mức thu nhập cụ thể và cố định theo từng tháng. Đối với một Paid Influencer mức lương mà họ nhận được hàng tháng sẽ có sự thay đổi, tỷ lệ thuận với số hợp đồng, lượng và thể loại công việc mà họ đảm nhận: có thể được trả tiền theo bài đăng, thời gian sự xuất hiện ở sự kiện, số lượng hàng bán được sau khi chia sẻ đường link (tiếp thị liên kết - affiliate marketing), v.v...
Bên cạnh đó, mức thù lao khi kết hợp với một Paid Influencer trong chiến dịch tiếp thị, truyền thông sẽ phụ thuộc vào độ nổi tiếng, sức ảnh hưởng, độ liên quan, ngành/lĩnh vực, thể loại nội dung và kênh mà họ sử dụng.
Trong một khảo sát về Influencer tại Việt Nam của Influencer Discover, năm 2020, mức thù lao mà Influencer sẽ nhận được cho một bài đăng cụ thể như sau:
1.4 Công việc cụ thể một Influencer cần xử lý là gì
Nhận sản phẩm từ nhãn hàng, chụp ảnh, chia sẻ bài đăng với những lời có cánh là một trong rất nhiều công việc Influencer đang làm.
Tuy nhiên, trong thực tế, Influencer có thể phải xử lý nhiều nhiệm vụ, công việc khác nhau tùy thuộc vào định hướng sự nghiệp, quy mô tổ chức mà Influencer đó đang làm việc, theo đuổi. Nhưng nhìn chung, để xây dựng, phát triển và duy trì sự nghiệp ảnh hưởng một cách tích cực và bền vững thì một Influencer cần phải thực hiện một công việc sau:
Lên lộ trình phát triển sự nghiệp, kế hoạch phát triển hình ảnh, thương hiệu cá nhân ngắn hạn, dài hạn
Mô tả một cách đơn giản, Influencer cần có một tầm nhìn dài hạn rằng trong 5 - 10 năm nữa, mình sẽ trở thành ai, mình sẽ làm gì, mình trông như thế nào, mình đang theo đuổi giá trị gì, đích tới của mình là đâu. Việc có một kế hoạch dài hạn giúp bạn có một tầm nhìn cụ thể, nhất quán mặt hình ảnh và phong cách.
Sau khi có chiến lược dài hạn, Influencer cần lên kế hoạch và hành động cụ thể để cam kết hoàn thành nó. Tốt hơn hết, bạn nên phân nhỏ những mục tiêu theo từng giai đoạn: 1 năm, 2 năm, 3 năm. Đây chính là kế hoạch ngắn hạn cho thương hiệu của bạn. Nó được ví như là đường ray giúp bạn không bị chệch hướng khỏi mục tiêu ban đầu. Và hoàn thành từng cột mốc đó thì đồng nghĩa với việc bạn đang tiến gần hơn tới vạch đích mà bạn đặt ra.
Việc thiết kế mục tiêu và lên chiến lượng cho sự nghiệp Influencer giống như leo một chiếc thang vậy. Leo từng bậc sẽ giúp bạn tiết kiệm sức lực, chắc chắn đi tới đích và trông có vẻ khả thi hơn việc từ nấc thang một mà bước vọt lên nấc thang trên đỉnh.
Sáng tạo và sản xuất nội dung
Đây là một trong những nhiệm vụ không thể không có trong hành trình làm Influencer. Trong đó, Influencer phải đào sâu, tìm hiểu về độc/khán giả của mình để tạo thông điệp phù hợp với họ. Thông điệp này đóng vai trò phục vụ thông tin, giá trị kiến thức cho độc giả và là phương tiện để kết nối, tương tác với họ.
Bên cạnh đó, Influencer cũng cần nghiên cứu thương hiệu, sản phẩm dịch vụ mà mình muốn kết hợp để tạo nội dung giới thiệu, quảng cáo hiệu quả và tinh tế. Sở dĩ cần sự tinh tế ở đây là bởi vì trong thời đại nghề Influencer bùng nổ, độc giả, người tiêu dùng ngày khó tính hơn với thông tin mà Influencer đưa ra. Chính vì vậy, những bài đăng có gắn thông tin về sản phẩm, nhãn hàng đòi hỏi Influencer phải có độ uy tín cao, sự khéo léo và chọn lọc kỹ lưỡng.
Tương tác với những người theo dõi
Không thể phủ nhận rằng, Influencer chuyên nghiệp sống và làm việc dựa trên sức ảnh hưởng. Nó được tạo thành nên từ độc/khán/thính giả - những người theo dõi, yêu mến họ. Chính vì vậy, Influencer cần tôn trọng, quan tâm với độc giả của mình và thể hiện nó bằng nhiều cách khác nhau. Ngoài việc cung cấp cho người theo dõi những thông tin hữu ích, Influencer có thể thông qua nút bình luận, nút bày tỏ cảm xúc, thậm chí tổ chức các buổi gặp mặt online/offline để lắng nghe và kết nối với họ nhiều hơn.
Trao đổi, làm việc với các bộ phận tiếp thị để lên kế hoạch, xây dựng một chiến dịch truyền thông, hoặc kế hoạch tiếp thị sản phẩm, dịch vụ
Cho dù là một Paid Influencer hay Earned Influencer thì mục tiêu cuối cùng của họ đều sẽ là kiếm tiền bằng sức ảnh hưởng của mình. Nếu là một Paid Influencer, họ thường sẽ làm việc và trao đổi với bộ phận tiếp thị của khách hàng để làm rõ mục tiêu và yêu cầu mà đối phương đưa ra. Từ đó đề xuất phương án thực hiện hợp lý và nỗ lực hoàn thành yêu cầu mà khách hàng mong muốn. Nếu là một Earned Influencer, họ cần làm việc cùng với đội nhóm, ekip của mình hoặc tự bản thân họ phải lên kế hoạch truyền thông, tiếp thị cho sản phẩm, công ty của chính mình để làm sao đạt được mục tiêu mà họ hướng tới.
Tham gia các sự kiện, chiến dịch do nhãn hàng, công ty mà họ đại diện hoặc hợp tác tổ chức (nếu cần)
Đây không phải là một hoạt động bắt buộc với một Influencer, tuy nhiên nó xảy ra thường xuyên với đại đa số họ. Thông thường, với một Paid Influencer, các nhãn hàng, công ty có thể sẽ mời họ tới tham dự và trải nghiệm sản phẩm mới với vai trò là khách mời. Trong trường hợp này, Influencer hoàn toàn có thể lựa chọn tham gia hoặc từ chối. Tuy nhiên, nếu bạn được mời làm một trong những người đại diện hình ảnh thương hiệu của nhãn hàng, bạn thường sẽ phải có mặt và đồng hành cùng nhãn hàng xuyên suốt sự kiện, chiến dịch truyền thông đó. Ngược lại, đối với Earned Influencer, vốn dĩ họ đang có sản phẩm, dịch vụ của mình. Vì thế, mỗi khi có sự kiện hoặc chương trình ra mắt sản phẩm mới, sự có mặt của họ sẽ là điều tất yếu.
Thống kê, quản lý tài chính
Cũng như các công việc khác, Influencer tạo ra thu nhập và có những khoản chi, đóng thuế cần thiết. Chính vì vậy, một Influencer nên dành quỹ thời gian của mình để thống kê và hạch toán thu chi cụ thể, từ đó có thể quản lý tốt tình hình tài chính và phát triển bền vững hơn.
2. Điều kiện cần và đủ để bước vào nghề
Như đã đề cập, một Influencer không phải đơn giản chỉ biết mặc một bộ đồ đẹp, chụp hình xinh và đăng tải lên mạng xã hội với một câu trích dẫn nổi tiếng. Điều kiện, kỹ năng và công việc của Influencer đòi hỏi nhiều hơn thế. Đặc biệt, khi bạn coi đây là sự nghiệp nghiêm túc thì bạn nên chuẩn bị tâm lý ngay từ đầu rằng bản thân sẽ cần nỗ lực, bản lĩnh và kiên trì để đạt được những kết quả tốt nhất.
Cho những bạn đang phân vân có nên bắt đầu tạo ảnh hưởng hay không, hoặc đang nghi ngờ về khả năng của bản thân, sau đây là một số checklist về dấu hiệu, tiềm năng để trở thành một Influencer.
Bạn có niềm đam mê, kiến thức và trải nghiệm về một lĩnh vực nào đó
Bạn có xu hướng muốn chia sẻ thông tin, kiến thức và truyền cảm hứng tới người khác
Bạn có khả năng giao tiếp, truyền tải thông điệp tốt và rõ ràng
Bạn có khả năng sáng tạo
Sự chủ động và luôn luôn học hỏi, cập nhật kiến thức mới
Có tư duy thẩm mỹ, thiết kế
Khả năng quản trị cảm xúc
Khả năng kết nối và tạo tương tác
Khả năng quản lý xung đột và phản biện
Khả năng quản lý thời gian tốt
Khả năng lập kế hoạch tốt
Khả năng networking
Khả năng thương lượng
Khả năng tư duy kinh doanh
Mặt khác, để sống và phát triển tốt, Influencer cần có hoặc trau dồi các kỹ năng sau đây. Với các bạn mới bắt đầu, bạn có thể chưa có đầy đủ các gợi ý dưới đây, tuy nhiên bạn cần chủ động dành thời gian để học tập và biến nó thành kỹ năng của mình nhanh nhất có thể.
Kỹ năng nghiên cứu
Kỹ năng viết và sản xuất nội dung
Kỹ năng biên tập, xử lý hậu kỳ
Kỹ năng thiết kế
Kỹ năng tìm và phân tích Insight khách hàng
Kỹ năng tìm kiếm khách hàng
Kỹ năng giải quyết vấn đề
Kỹ năng thương lượng và tư duy kinh doanh
3. Các bước bắt đầu với nghề Influencer
Bước 1: Chọn ngách và đối tượng độc giả
Ngách ở đây có thể hiểu là lĩnh vực chuyên môn, chủ đề mà bạn tập trung tìm hiểu và chia sẻ với người theo dõi của mình. Sở dĩ cần xác định được ngách ở bước đầu tiên là vì như đã đề cập ở phần định nghĩa về Influencer, Influencer có thể ảnh hưởng tới người khác là do chuyên môn và trải nghiệm nhất định của họ về lĩnh vực nào đó.
Chọn chủ đề và truyền tải về nó thường xuyên, nhất quán là cách để bạn khẳng định được tên tuổi, thương hiệu và cho người khác biết về trình độ của bạn. Sau đây là một vài gợi ý về ngách cho bạn:
Beauty: mỹ phẩm, chăm sóc da, chăm sóc tóc và tạo kiểu tóc và các chủ đề khác liên quan đến vệ sinh và chăm sóc cá nhân.
Travel: Du lịch bụi, Digital nomad, du lịch mạo hiểm, du lịch sang trọng.
Lifestyle: Lối sống xanh, sống tỉnh thức, làm vườn, lối sống tối giản.
Sức khỏe: sức khỏe đường ruột, giảm cân, yoga, thể hình, rèn luyện tim mạch cũng như ăn uống lành mạnh và dinh dưỡng.
Gaming: Bình luận game và giải đấu.
Digital Marketing: Content marketing, copywriting, influencer marketing, personal branding.
Làm cha mẹ: nuôi dạy trẻ từ 0-1 tuổi/ từ 3-6 tuổi, làm cha mẹ tuổi teen.
Kinh doanh và công nghệ: MMO, tài chính cá nhân, Crypto, AI.
Sau khi chọn được ngách, việc tiếp theo bạn cần làm đó là xác định đối tượng độc giả mục tiêu của mình. Bài đăng của bạn phục vụ cho ai, bao nhiêu tuổi, làm nghề gì, họ ở đâu? Việc nhắm tới đối tượng cụ thể giúp bạn có thể đi vào chi tiết và chuyên sâu hơn vào vấn đề của họ. Nó cho phép bạn sống, chạm, đồng cảm và giải quyết nỗi đau của họ một cách đúng và chính xác hơn. Khi bạn phục vụ đúng và trúng với thứ độc giả cần thì cũng là lúc bạn gây dựng được niềm tin ở họ.
Việc chọn ngách và đối tượng mục tiêu cũng tương tự như trong kinh doanh vậy. Nó giúp bạn bạn đi tới gần hơn với độc giả và cũng là thứ để phân biệt bạn với người khác. Ví dụ: H&M lựa chọn ngành thời trang, ngách phục vụ thời trang tượng nữ có mức tiêu dùng bình dân, đối tượng khoảng 15 - 35 tuổi. Trong khi đó, Channel cũng lựa chọn ngành thời trang, nhưng đối tượng là những người có khả năng chi tiêu cao, độ tuổi 30 - 50. Khi người tiêu dùng cần một trong những thứ đó họ sẽ đi thẳng tới một trong hai nơi để lựa chọn. Mặt khác, nếu bạn lựa chọn thứ gì cũng bán, đối tượng nào cũng phục vụ thì thương hiệu của bạn chỉ được coi như cái siêu thị tạp hóa, ở đâu cũng có và không có nhiều sự khác biệt.
Bước 2: Lựa chọn phong cách, hình ảnh, brand voice và giá trị phù hợp với cá tính cá nhân
Nếu như chuyên môn là yếu tố để nhào nặn nên khung xương, hình hài của bạn, thì brand voice (tiếng nói thương hiệu), phong cách, hình ảnh và giá trị bạn theo đuổi sẽ là thứ khắc họa nên tính cách riêng, con người riêng của bạn. Nó là một trong những yếu tố giúp một Influencer tạo nên sự khác biệt với những người khác.
Một ví dụ đơn giản về câu chuyện của hai người cùng là người viết. Chuyên môn của họ là viết lách và cả hai người cùng chia sẻ các phương pháp viết. Nhưng cô A mang lại cho người đọc cảm giác ấm áp, gần gũi, đôi khi có chút hóm hỉnh, vui tươi. Còn cô B thì khác, đọc những chia sẻ của cô B, độc giả luôn cảm thấy sự hiền triết, súc tích và có sự nghiêm túc nhất định. Lý do có sự khác biệt này chính là họ có brand voice, hình ảnh họ hướng tới khác nhau. Họ sử dụng giọng điệu, góc độ tiếp cận để chia sẻ và giao tiếp với độc giả cũng khác nhau.
Brand voice sẽ là thứ mà đi theo chúng ta trong suốt hành trình xây dựng và duy trì thương hiệu. Chính vì thế, brand voice được gợi ý lựa chọn dựa trên cá tính, tính cách và điểm mạnh của mỗi người. Nói cách khác, tính cách mình làm sao thì tính cách thương hiệu của mình là vậy. Mình chỉ cần thể hiện là chính mình thôi.
Bước 3: Lựa chọn nền tảng xuất hiện
Nền tảng mạng xã hội không phải là nơi duy nhất để Influencer hoạt động tuy nhiên nó là công cụ giúp họ lan tỏa sức ảnh hưởng nhanh và trên phạm vi rộng nhất. Nếu được ví chuyên môn của bạn là thông điệp thì kênh mạng xã hội như chiếc loa mang thông điệp đó đi tới khắp mọi nơi.
Ở mỗi nền tảng, thông tin sẽ được chia sẻ ở định dạng khác nhau với quy chuẩn khác nhau. Vì vậy, Influencer có thể lựa chọn 1-2 nền tảng mạng xã hội phù hợp với điểm mạnh và sở thích của mình để bắt đầu chia sẻ, lan tỏa nội dung và gây dựng sức ảnh hưởng.
Sau đây là một số phân tích về nền tảng trong đó có biểu thị về thông tin ngách và đối tượng mục phổ biến trên từng nền tảng. Bạn có thể tham khảo và chọn lọc ra 1-2 nền tảng để bắt đầu nhé.
Bước 4: Sản xuất và chia sẻ nội dung
Bạn là người có chuyên môn, bạn đã chọn lựa được ngách, xác định được mục tiêu nhưng bạn không bắt tay vào sản xuất nội dung thì tất cả các bước trên đều không có nghĩa lý gì cả.
Bởi, nội dung chính là yếu tố để bạn thu hút sự chú ý, theo dõi của độc giả. Thông điệp của bạn đưa ra càng hữu ích, cách truyền tải càng rõ ràng, độc giả càng dừng chân lại lâu hơn với bạn.
Một mẹo nhỏ cho bạn ở đây là bạn có thể lên kế hoạch nội dung trong 1 tháng hoặc theo quý, 1 năm. Nó giúp bạn có cái nhìn tổng thể về hình ảnh và nội dung mà bạn đang hướng tới. Bên cạnh đó, bạn có thể rà soát và lên bài một cách nhất quán, không lạc chủ đề, không trùng lặp bài viết. Đồng thời, kế hoạch nội dung là yếu tố để bạn cảm thấy có cam kết hơn với công đoạn sản xuất nội dung.
Bước 5: Tạo thu nhập
Hiện nay, Influencer không chỉ giúp các thương hiệu nâng cao nhận thức và thúc đẩy tỷ lệ mua hàng thông qua việc đăng bài giới thiệu như cách truyền thống nữa. Influencer còn tự lan tỏa sức ảnh hưởng tới độc giả và biến họ trở thành khách hàng của mình. Và nhiệm vụ lúc này của bạn là xác định lại mục tiêu của mình khi xây dựng sức ảnh hưởng. Bạn muốn trở thành đại sứ thương hiệu, quảng cáo cho các nhãn hàng và kiếm tiền từ nó. Hay bạn muốn tự mình xây dựng mô hình kinh doanh riêng, ra mắt các sản phẩm và thúc đẩy doanh thu bán hàng qua các chương trình giới thiệu của bản thân.
Bước 6: Rà soát, đối chiếu hiệu quả công việc
Việc đánh giá sức ảnh hưởng và hiệu quả tạo ảnh hưởng vô cùng quan trọng với mỗi Influencer. Ở bước này, Influencer cần rà soát lại bảng kế hoạch mục tiêu và lộ trình nghề nghiệp. Bạn cần định vị rõ bản thân đang ở cột mốc nào? Bạn đã làm được gì trong suốt thời gian qua và cần cải thiện những gì. Đây chính cơ sở để bạn chuẩn bị tốt nguồn lực cho những cột mốc sắp tới. Gợi ý cho bạn là chia cột mốc thời gian thành 6 -12 tháng để nhìn rõ hơn sự chuyển biến và thay đổi.
Để đánh giá hiệu quả sức ảnh hưởng, người ta thường dựa vào những yếu tố sau:
Số lượng người theo dõi: Số lượng theo dõi, thích trang kể từ khi thành lập trang, bắt đầu chia sẻ cho tới thời điểm hiện tại.
Khả năng tạo tương tác:
- Tổng số lượt tương tác: Tổng các lượt like, share và comment.
- Lượt tương tác trung bình: Tổng số lượt tương tác/ Số bài post.
Mức độ liên quan:
Mức độ liên quan đối tượng: Nghĩa là đối tượng follower có phải là độc giả mục tiêu của bạn không? Họ có liên quan, quan tâm tới chủ đề, thông điệp mà bạn đang nói tới không?
Mức độ liên quan nội dung: Nghĩa là dưới mỗi bài đăng, followers hoặc bạn bè, độc giả đọc bài của bạn có để lại nhiều bình luận không? Có liên quan tới nội dung mà bạn viết không? Mức độ liên quan càng cao thì sức ảnh hưởng càng lớn.
Khả năng chuyển đổi: Là số lượng người click vào nút tin nhắn/link để tìm hiểu thêm và mua sản phẩm, dịch vụ mà bạn giới thiệu sau khi đọc bài bạn chia sẻ.
Lời kết
Ngoài số liệu thống kê được thu thập theo báo cáo, nghiên cứu từ các tổ chức, trang tin uy tín về ngành nghề Influencer, bài viết còn được tổng hợp, phân tích dựa trên chuyên môn và kinh nghiệm của chính mình tại thị trường bản địa nhằm đưa ra cho độc giả cái nhìn cụ thể nhất về toàn ngành cũng như cách thức để phát triển bền vững nghề Influencer tại Việt Nam. Tuy nhiên, bài viết cũng sẽ không tạo được giá trị gì khác biệt, nếu bạn không bắt tay ngay vào thực hiện và cam kết duy trì hành trình đó. Vậy nên, hi vọng rằng: thứ bạn nhận được sau bài viết không đơn thuần là thông tin mà còn là những dấu hiệu thúc đẩy bạn biến kiến thức này trở thành động lực và tự tin dấn thân vào con đường trở thành Influencer.