Trong một bài báo trên tờ The Atlantic, Adam Grant đã nhắc tới 16 nghiên cứu nghiêm ngặt được thực hiện trên hàng nghìn người tại nơi làm việc đã cho thấy bản thân họ không tự nhận thức được tính cách của mình sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất công việc của họ như thế nào, trong khi đồng nghiệp của họ lại nhìn thấy rất rõ điều đó. Tôi tin rằng việc khám phá bản thân, để hiểu mình và hiểu những gì mình muốn là một trong những kỹ năng quan trọng và mạnh mẽ nhất mà bạn cần sở hữu.
Nếu bạn chưa biết chính xác mình là ai trong thẳm sâu hoặc mục đích thực sự của bạn trong cuộc sống này là gì, cũng đừng lo lắng quá. Con người và mục đích thực sự của chúng ta có thể bị chôn vùi dưới nhiều lớp trong nhiều năm khi chúng ta cố gắng chạy theo những gì người khác mong đợi hoặc kỳ vọng. Nói cách khác là chạy theo những định nghĩa về thành công từ người khác, chứ không phải xuất phát từ bản thân mình.
Chẳng hạn, bạn có thể đã làm việc rất nhiều năm với một công việc bạn không thích lắm. Dẫu rằng bạn vẫn đạt đến đỉnh cao trong công danh, vị trí, tiền bạc nhưng bạn vẫn cảm thấy không hài lòng hoặc bất mãn. Bạn đã từng nghĩ nếu mình đạt được vị trí của ngày hôm nay, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc. Nhưng hoá ra lại không, nó chỉ mang về những cảm giác trống rỗng và vô nghĩa. Bởi sự mãn nguyện và thành công thực sự đến từ việc biết mục đích thực sự của bạn trong cuộc sống và công việc là gì, để sau đó làm những điều cho phép bạn sống theo những mục đích đó.
Nhưng trước khi làm được những điều này, bạn cần phải hiểu rõ hơn về bản thân mình. Nhận thức về bản thân là một kỹ năng có thể thực hành và ai cũng có thể cải thiện được. Nó bao gồm một phần trí tuệ cảm xúc, một phần nhận thức, một phần tư duy phản biện. Dễ hiểu hơn thì nó có nghĩa là bạn biết điểm yếu, điểm mạnh và điều gì thúc đẩy mình.
Sự tự nhận thức này không chỉ có lợi cho cá nhân bạn. Khi bạn càng trở nên thành thạo trong việc thúc đẩy bản thân, bạn sẽ càng thành thạo hơn, nhạy cảm hơn với những yếu tố thúc đẩy người khác (và đưa chúng vào áp dụng). Mỗi một nhân viên trong tổ chức tự nhận thức tốt sẽ tạo ra một tổ chức, một công ty tự nhận thức cao. Và một tổ chức có sự tự nhận thức cao là một tổ chức năng động, sẵn sàng thay đổi liên tục. Ở một môi trường làm việc mà sự tự nhận thức được khuyến khích, đó sẽ là nơi mà hiệu quả làm việc, sự tò mò và sáng tạo được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ.
Quay trở lại với chuyện bạn cần hiểu rõ mình đang ở đâu, trước tiên hãy hiểu rằng làm quen với chính bạn cũng là một quá trình - đó là một quá trình không nhiều người sẵn sàng làm bởi nó đòi hỏi thời gian, nỗ lực và sự hi sinh. Nhưng làm thế nào mà chúng ta có thể mong đợi thành công trong sự nghiệp, cuộc sống hoặc thực sự hạnh phúc khi ta không kết nối với con người thật của mình và không hiểu mình nghĩ gì hoặc tại sao mình lại có xu hướng nghĩ theo một cách nhất định nào đó?
Tôi muốn bạn hãy tập trung vào những hành động sau đây.
Biết giá trị mình có thể mang tới là gì
Giá trị sẽ phản ánh mức độ phù hợp với nghề nghiệp bạn đang làm. Sverko và cộng sự (2008) đã nhận định các cá nhân thích, lựa chọn những nghề liên quan tới kinh doanh có xu hướng theo đuổi các giá trị về vật chất, những người chọn công tác xã hội, giảng dạy lại theo đuổi các giá trị xã hội, đặc biệt là lòng vị tha.
Mind Tools định nghĩa các giá trị là những điều bạn tin là quan trọng trong cách bạn sống và làm việc. Bạn càng có thể gắn kết chặt chẽ các giá trị của mình với cách bạn sống, làm việc, bạn càng có được sự hài lòng lớn hơn.
Nếu để ví von, tôi nghĩ giá trị giống như những mẩu bánh mì vụn, giúp chúng ta tìm ra con đường xuyên qua khu rừng lớn. Kể cả khi có những sai lầm xảy ra, bởi mọi thứ trên đời không bao giờ là hoàn hảo, thì nhờ những giá trị đã ghim sẵn trong mình, chúng ta vẫn có thể quay về, bắt đầu lại. Nó chính là những điểm neo, và cũng là những thỏi nam châm.
Thực hành xác định giá trị:
Bước 1: Dành vài phút để suy nghĩ về những lúc bạn cảm thấy hạnh phúc nhất, tự hào nhất, viên mãn nhất chẳng hạn như “còn sống”, “bùng cháy”, “làm việc hết mình”. Bạn có thể viết cả những tưởng tượng về cuộc sống riêng lẫn trong công việc.
Bước 2: Tiếp theo hãy xem xét những giá trị thể hiện lý do vì sao những tình huống đó lại khiến bạn cảm thấy tích cực và liệt kê ra.
Bước 3: Chọn trong danh sách của bạn 3-5 giá trị cốt lõi và liệt kê chúng ta.
Nhiều người trong chúng ta không chủ động dành thời gian suy nghĩ về các giá trị của mình, nhưng tất cả nhưng tất cả chúng ta đều có và chúng là kim chỉ nam cho những gì chúng ta làm. Bạn có thể cảm thấy những giá trị của mình được thể hiện rõ ràng ở cuộc sống cá nhân, nhưng còn trong sự nghiệp thì sao? Tìm thấy những giá trị của mình trong công việc mình làm làm một yếu tố quan trọng của sự hài lòng. Chẳng hạn nếu bạn là người chính trực, mạnh mẽ, nhưng đồng nghiệp của bạn lại thường tìm cách đổ lỗi cho người khác thì điều đó có thể khiến bạn tức giận, không hài lòng hoặc mất tinh thần.
Nếu bạn đang tự kinh doanh, làm tự do và các giá trị của bạn là độc lập, tự chủ thì bạn không thể nào cố gắng nói rất nhiều về sự tự do trong khi mình đang dính mắc với quá nhiều công việc và trách nhiệm mà không thể giải quyết được.
Nếu bạn có ý định xây dựng sự ảnh hưởng để tìm một công việc mang tới cho mình sự hài lòng cao hơn, bạn phải rất rõ ràng về giá trị và truyền đạt một cách trung thực về nó.
Đó chính là những bước đầu tiên.