Giải pháp nào để giảm tải áp lực sáng tạo nội dung?
Có tới hơn 70% trong số mentee của mình không thể duy trì việc sáng tạo nội dung, hoặc tăng lượng khách hàng mới chỉ vì không có nhiều nguồn lực để duy trì công việc này.
Bạn không có quá nhiều thời gian để sáng tạo nội dung vì còn bận xây dựng khoá học, sản xuất sản phẩm dịch vụ?
Bạn tạo nội dung chất lượng, sâu sắc, chuyên môn nhưng có quá ít người tiếp cận được đến?
Bạn muốn mở rộng sang một kênh khác hoặc kênh mạng xã hội hiện có để tiếp cận đến nhiều người hơn nhưng chưa biết làm thế nào?
Nếu bạn đang gặp vấn đề này thì xin chúc mừng, vì bạn không cô đơn. Nhóm khách hàng, mentee của mình đang hỗ trợ, có tới hơn 70% trong đó không thể duy trì việc sáng tạo nội dung, hoặc tăng lượng khách hàng mới chỉ vì không có quá nhiều nguồn lực để duy trì công việc này.
Sau hơn 1 năm thực hành thành công, tất nhiên cũng có thất bại nhiều lần trong việc tái sử dụng nội dung, mình có cho mình bài học mà mình tin, nó sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề trên. Và trong bản tin này, mình sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn về cách thức, cũng như quy trình làm việc này.
Tại sao lại là tái sử dụng nội dung?
Trước mắt, rõ ràng rằng việc tái sử dụng nội dung không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và công sức mà còn mang lại nhiều lợi ích khác nhau cho các chuyên gia. Thứ nhất, việc tái sử dụng nội dung giúp tăng cơ hội tiếp cận với đối tượng khán giả rộng lớn hơn thông qua các kênh truyền thông khác nhau. Thứ hai, nó giúp tạo ra một hình ảnh thương hiệu nhất quán và chuyên nghiệp. Thứ ba, việc tái sử dụng nội dung cũng đồng nghĩa với việc xây dựng sự uy tín và tạo ra một lượng lớn nguồn tài nguyên đáng tin cậy cho khách hàng.
1. Tái sử dụng nội dung có nghĩa là gì?
Tái sử dụng nội dung có nghĩa là sử dụng lại nội dung gốc sẵn có, và trình bày, thể hiện nó ở một định dạng khác.
Mình quan sát thấy nhiều bạn có những quan điểm hoặc có tư duy sai lầm về việc "sợ nội dung của mình cũ, sợ việc lặp lại, nói lại thì không mang điều gì mới cho độc giả".
Thực ra, không phải khán giả đều luôn theo dõi và tập trung ở một nơi. Họ có thể thích tiếp cận ở nhiều nền tảng khác nhau, họ thích tiêu thụ ở nhiều định dạng nội dung khác nhau.
Đôi khi, một vài kiến thức là cơ bản, nền tảng, hoặc quan trọng tới mức cần phải nói đi nói lại, nói ở khắp mọi nới để độc giả có thể ghi nhớ, thấy được tầm quan trọng và thực sự có bước tiến trong hành trình của họ.
Đừng lo kiến thức của bạn cũ: vì đôi khi kiến thức mà chúng ta nói tới không phải là điều mới, hoặc do chúng ta phát minh, đơn giản có thể là bạn học được từ ai đó. Ngoài kia, nhan nhản những người đã nói trước cả bạn. Việc bạn nói về nó thêm lần nữa cũng không sao, đó là một sự nhấn mạnh cho nội dung của mình.
Việc bạn khoác lên một chiếc áo mới cho content cũ của mình, sẽ giúp bạn mở rộng phạm vi tiếp cận và gia tăng hiệu quả truyền thông.
Không những thế, bạn còn có thể gia tăng vòng đời của nội dung, tránh việc bị burn-out khi phải liên tục tạo ra nội dung mới và dành được nhiều thời gian làm những việc quan trọng.
Vì vậy hãy tận dụng những phương thức này trong quá trình làm nội dung của bạn. Ngay sau đây, mình sẽ hướng dẫn bạn làm thế nào để tái sử dụng nội dung hiệu quả!
2. Làm cách nào để tái sử dụng nội dung hiệu quả?
2.1 Từ nội dung bản tin sang nội dung cho mạng xã hội
Tạo hình ảnh thu hút:
Bạn có thể thiết kế hình ảnh minh họa bắt mắt, trích dẫn những câu nói đắt giá từ bài viết để thu hút sự chú ý trên mạng xã hội. Bởi một hình ảnh, có khả năng thay cho ngàn lời nói.
Tạo Infographics:
Infographic là sự kết hợp thông tin ngắn gọn với hình ảnh minh họa và màu sắc sinh động, bắt mắt để có thể truyền đạt thông tin nhanh và rõ ràng hơn. Đối với những nội dung có nhiều số liệu và mang tính học thuật, khô khan, bạn có thể tạo thành các biểu đồ đơn giản, dễ hiểu, trực quan. Từ đó, nội dung bạn truyền tải có thể có khả năng in sâu vào tâm trí của độc giả hơn, hay ít nhất là để lại đâu đó ấn tượng ít nhiều giữa hàng ngàn nội dung ngoài kia.
Trích đoạn thành bài viết ngắn:
Độc giả không chỉ theo dõi bạn ở một nơi duy nhất, họ có thể thích tiêu thụ ở nhiều định dạng nội dung khác nhau, ở nhiều nền tảng khác nhau.
Vì thế, bạn đừng quá lo lắng về việc "tôi đã viết nội dung này rồi, tôi không thể lặp lại một lần nữa". Từ một ý lớn, bạn có thể chia nhỏ thành các bài viết ngắn, xúc tích, thu hút lên mạng xã hội, và dẫn dắt độc giả đến bài viết gốc.
Nhờ vậy, bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức, mà lại tiếp cận thêm nhiều đối tượng độc giả tiềm năng mới.
Trích đoạn thành video ngắn:
Hiện nay, thị trường video ngắn đang bùng nổ. Theo báo cáo của Kantar Media vào tháng 11/2023, người dùng Việt Nam dành trung bình 1 giờ 4 phút mỗi ngày để xem video ngắn, tăng 14% so với năm 2022. Điều này cho thấy sự gia tăng đáng kể trong việc tiêu thụ video ngắn của người dùng Việt Nam.
Nếu bạn sở hữu nội dung gốc dạng video dài, hoặc Podcast dài, mình gợi ý bạn có thể dựa trên nội dung gốc, cắt ghép, chỉnh sửa hay tạo mới để tạo thành những video ngắn, hấp dẫn, thu hút người xem trên các nền tảng như TikTok, Instagram Reels, Facebook Reels, YouTube Shorts...Nhờ đó, bạn đã có cho mình lượng người tiếp cận cực kỳ tiềm năng và mạnh mẽ.
Ví dụ: Visible You đã trích đoạn từ bản tin dài và tái sử dụng thành loạt video ngắn.
Đọc thêm: Làm thế nào để tạo một bài đăng mạng xã hội có sức ảnh hưởng?
Sử dụng Ebook sang loại nội dung social post
Như bạn biết, Ebook là định dạng nội dung giàu thông tin, kiến thức. Nếu bạn bỏ qua loại nội dung này là điều đáng tiếc. Tất nhiên, bạn không thể bê hết dữ liệu của cuốn Ebook thành bài viết ngắn ở mạng xã hội vì rõ ràng độc giả không có lí do gì để đọc cả hai. Nhưng dưới đây là một vài cách giúp bạn tận dụng được ý tưởng, thông điệp trong đó để biến nó thành lại bài đăng cuốn hút hơn. Thậm chí, đây sẽ là "miếng mồi nhử" để họ tải hoặc mua tập Ebook này của bạn.
Để tái sử dụng nội dung từ Ebook sang các bài đăng trên mạng xã hội một cách hiệu quả, bạn có thể thực hiện các bước sau:
Tóm tắt và rút gọn: Hãy chọn ra những điểm chính, những ý sáng, thông điệp quan trọng nhất từ Ebook của bạn và tóm tắt chúng thành các đoạn văn ngắn, dễ hiểu. Đảm bảo rằng mỗi đoạn tóm tắt có thể đứng một mình mà vẫn truyền đạt thông tin dễ hiểu và truyền tải được giá trị nhất định cho độc giả.
Giống như loại hình bài viết ở bản tin, bạn có thể biến đổi thông tin thành hình ảnh hoặc trích đoạn văn ngắn: Sử dụng các công cụ thiết kế như Canva hoặc Adobe Spark để tạo ra các hình ảnh minh họa hoặc trích đoạn văn ngắn từ Ebook của bạn. Điều này giúp tăng tính tương tác và thu hút sự chú ý trên các nền tảng mạng xã hội.
Chia sẻ dạng trích đoạn: Chia sẻ các trích đoạn ngắn từ Ebook của bạn trực tiếp trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter hoặc LinkedIn. Đảm bảo rằng các trích đoạn này là những điểm nổi bật và thú vị nhất trong Ebook của bạn để thu hút sự chú ý của độc giả.
Tạo series bài viết: Sử dụng Ebook của bạn để tạo ra một series bài viết trên mạng xã hội. Mỗi bài viết trong series có thể tập trung vào một chủ đề hoặc chương, hoặc các bước riêng biệt từ ebook của bạn, giúp tạo ra sự hấp dẫn và tạo ra sự kỳ vọng cho độc giả.
Sử dụng câu trích dẫn: Tìm những câu trích dẫn thú vị hoặc động viên từ ebook của bạn và chia sẻ chúng trên mạng xã hội, kèm theo hình ảnh hoặc video nếu cần. Các câu trích dẫn có thể là nguồn cảm hứng và động lực cho độc giả của bạn.
2.2 Lưu ý khi tái sử dụng nội dung dài thành nội dung ngắn:
Nội dung gốc chất lượng:
Để đảm bảo việc tái sử dụng có hiệu quả, vừa cung cấp giá trị cho người đọc vừa mang lại sự mới mẻ, bạn cần đưa ra các tiêu chí riêng khi lựa chọn thông điệp, hoặc bài viết mà mình mang đi tái sử dụng.
Nên nhớ không phải là bài viết nào cũng nên mang đi "xào nấu lại". Bởi dần dần cũng sẽ khiến độc giả phát ngán. Vì vậy, bạn cần nắm được đâu là chủ đề nên được nói đi nói lại nhiều lần? Những nội dung này thường phải đảm bảo được đó là bài viết giải quyết nhu cầu lớn, cấp thiết của nhóm đông độc giả. Hoặc đó phải là bài viết sẽ hỗ trợ có sự thay đổi lớn trong hành trình của họ. Hoặc do nhiều người yêu cầu được nói sâu hơn, đơn giản hơn.
Ngoài ra, khi cắt gọt và chỉnh sửa nội dung với dung lượng nhỏ, dung lượng ngắn như vậy, nội dung của bạn có thể bị khó hiểu, không thoát ý, chưa trao đủ giá trị hay truyền đạt được thông điệp nhất định một cách hiệu quả. Vì thế, bạn sẽ cần đặc biệt lưu ý với việc chỉn chu nhiều hơn ở khâu biên tập nội dung.
Lưu ý nguồn lực:
Bạn sẽ phải xác định được chiến lược và tầm nhìn rõ ràng, đâu là kênh bạn đang hướng đến, kế hoạch nội dung ra sao... Vì sao mình nói như vậy, là để tránh việc bạn lậm vào "nỗi sợ bị bỏ lỡ", kênh nào cũng muốn có mặt, trong khi nguồn lực và kỹ năng chưa đáp ứng được.
"Chơi" theo luật chơi của nền tảng:
Tùy từng kênh có những cách truyền tải và định dạng nội dung khác nhau, cách người dùng tiêu thụ và cách thuật toán hoạt động hoàn toàn khác nhau.
Vì vậy, bạn sẽ phải hiểu rõ để thích ứng linh hoạt với luật chơi của từng nền tảng ấy. Thay vì một nội dung, và đăng tải lên đa kênh, chắc chắn sẽ không thể hiệu quả.
Xây dựng "kho thư viện nội dung" để có thể tái sử dụng:
Tại sao cần phải có kho thư viện nội dung, mới có thể tái sử dụng?
Bởi, bạn không có nội dung, thì làm sao mà tái sử dụng nội dung? Và bạn cần thời gian để lựa chọn và chọn lọc đâu là nội dung tốt để có thể bắt tay vào tái sử dụng.
Cuối cùng, khán giả cũng cần thời gian để bắt gặp lại và cảm thấy mới mẻ về chủ đề mà bạn chuẩn bị đề cập lại.
2.3 Ngược lại, từ nội dung mạng xã hội, bạn có thể:
Tìm kiếm những bài đăng trên mạng xã hội có hiệu suất cao:
Bạn có thể xem các kênh mạng xã hội như là nơi tìm kiếm và thử nghiệm insight, chọn lọc ý tưởng tiềm năng, để triển khai thành dạng nội dung dài.
Từ đó, bạn có thể đáp ứng nhu cầu đọc của độc giả, nâng cao khả năng tạo sự chuyển đổi cũng như tiết kiệm thời gian cho việc nghĩ ý tưởng cho nội dung bản tin hay Ebook.
Mở rộng nội dung:
Tiếp nối với việc thử nghiệm, bạn hoàn toàn có thể lấy những ý sáng nhất của bài đăng mạng xã hội, để làm nền tảng cho bài viết dài của bạn.
Một vài vấn đề hoặc chi tiết trong bài viết sẽ cần được mở rộng ý, hoặc có các bước hướng dẫn cụ thể hơn nữa. Từ nền tảng bài viết, hãy triển khai với các nội dung dài để mang tới cái nhìn toàn cảnh, hướng dẫn có giá trị cho độc giả.
Bạn sẽ cần cung cấp nhiều hơn về thông tin, chi tiết, ví dụ, hình ảnh minh họa chất lượng cao, để làm cho nội dung của bạn không những trở nên phong phú, hấp dẫn hơn, mà còn tạo sự uy tín, chuyên môn nhất định trong lĩnh vực.
Từ đó, tạo nên vòng tròn nội dung có giá trị, hỗ trợ cho sự phát triển của độc giả.
2.4 Lưu ý khi tái sử dụng nội dung dài thành nội dung ngắn:
Luôn ghi rõ nguồn gốc nội dung: Đối với nội dung dài, mang tính chuyên môn cao, cần đến sự chuẩn xác và xác thực rất cao. Vì vậy, khi sử dụng nội dung từ các nguồn khác, hãy ghi rõ nguồn và trích dẫn đầy đủ.
Sửa đổi và cập nhật nội dung: Khi bạn cập nhật và trích đoạn từ những nội dung cũ, bạn cần đảm bảo thông tin mới nhất để đảm bảo tính chính xác và phù hợp.
Theo dõi hiệu quả: Bạn nên liên tục quan sát, rà soát, đo lường và phân tích hiệu quả của nội dung dài để xem những gì hiệu quả và những gì cần cải thiện. Để từ đó có thể đưa ra sự điều chỉnh phù hợp và kịp thời.
Hoạt động sáng tạo nội dung là một tác vụ, công việc thách thức với bất cứ ai, kể cả một người làm content creator chuyên nghiệp. Giống như bạn, là một người vừa bán chuyên môn, vừa vận hành, thực thi các hoạt động xây dựng thương hiệu và tiếp thị, mình thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với việc ngày nào cũng mệt mỏi vì phải "viết", phải quay dựng, phải tạo nội dung mới.
Mình hi vọng rằng các cách thức để tái sử dụng từ một nội dung dài, sang một nội dung ngắn đăng tải lên các trang mạng xã hội và ngược lại mà mình chia sẻ vừa rồi, sẽ hỗ trợ bạn giảm tải được áp lực trong hành trình này.
Hãy thử ứng dụng ít nhất một gợi ý cho chiến lược sản xuất nội dung tiếp theo của bạn và hãy quay trở lại đây, cùng chia sẻ với mình về kết quả mà bạn đạt được nhé! Giờ thì tạm biệt, và hẹn gặp lại bạn ở bản tin lần tới!