Ai có thể trở thành Visible Influencer?
"Tôi không có nhiều kinh nghiệm chuyên môn, tôi không chắc mình có thể"
Khi TVI chia sẻ khóa học 30 ngày tạo ảnh hưởng miễn phí, có nhiều bạn độc giả chia sẻ rằng: Họ đã từng cho rằng xây dựng sức ảnh hưởng, thương hiệu cá nhân là thứ gì đó hào nhoáng, là công việc cần cho người nổi tiếng, hoặc giới nghệ sĩ chứ không dành cho họ. Hoặc một vài bạn nói: “Em không có tài năng, kinh nghiệm chuyên môn gì nổi bật, em không chắc mình có thể trở thành Influencer”... Cho tới khi gặp đọc được những chia sẻ của chúng tôi về tạo ảnh hưởng tích cực, nhiều người trong số họ đã hoàn toàn thay đổi tư duy và bắt đầu xếp những viên gạch đầu tiên trong hành trình trở thành một Visible Influencer.
Bởi họ muốn:
Tăng độ uy tín trong thị trường ngách, lĩnh vực chuyên môn mà họ theo đuổi
Tăng trưởng doanh thu cho hệ thống kinh doanh dịch vụ và sản phẩm
Tạo thu nhập thụ động
Có lẽ không nói quá khi cho rằng trở xây dựng thương hiệu quan trọng cho tất cả chúng ta, cho dù ở độ tuổi nào, ngành nghề gì. Chỉ cần bạn đang kinh doanh, bạn đang vẫn muốn kiếm tiền, bạn đều nên sở hữu một hình ảnh, một sức ảnh hưởng nhất định, càng sớm càng tốt.
Đồng ý rằng trở thành một The Visible Influencer là một hành trình dài và nhiều khó khăn. Không phải ai cũng có thể tạo ảnh hưởng nếu không thực sự nghiêm túc và cam kết hành động từng bước nhỏ để kiến tạo sức ảnh hưởng một cách bền vững.
Trước khi cung cấp các hướng dẫn, đường đi nước bước, TVI muốn bạn ngồi lại làm việc với bản thân, biệt đối với các bạn đang phân vân có nên bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân hay không, hoặc đang nghi ngờ về khả năng của chính mình.
Hãy đọc thật chậm, kỹ càng 11 dấu hiệu, tiềm năng để trở thành một Visible Influencer mà TVI đề cập dưới đây. Hãy làm việc thành thật với mình để tìm ra câu trả lời phù hợp. Đừng xem nhẹ bản thân, cũng đừng bỏ qua bất kỳ hành động, thói quen, xu hướng tốt xấu mà bạn đang sở hữu. Hãy dành cho mình một khoảng không gian tĩnh, không bị quấy rối bởi tiếng tin nhắn, thông báo từ mạng xã hội để nghe rõ nhất những gì đang chạy trong đầu bạn, thậm chí kể cả tiếng gọi của trực giác.
#1 Bạn có niềm đam mê, kiến thức và trải nghiệm về một lĩnh vực nào đó:
Những kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm của bạn chính là thứ giá trị nhất để níu chân người khác theo dõi và ủng hộ bạn. Kiến thức chuyên môn ở đây nhất thiết phải thứ tài liệu khoa học, cao siêu vũ trụ mới có thể trao đi, mà thông tin này đơn giản là có thể mang lại giá trị nào đó cho người nào đó. Nếu bạn đang là người mới bắt đầu trong một lĩnh vực nào đó, bạn cũng có thể bắt tay ngay vào việc chia sẻ chính những gì mà mình đang trải qua, những bài học mà bạn đúc rút được, bởi ngoài kia luôn có người bắt đầu sau bạn và họ cần tới thông tin của bạn như khi bạn đi google để tìm kiếm gợi ý của người đi trước vậy. Chỉ cần bạn có đam mê với điều bạn đang theo đuổi, bạn sẽ ngày càng có kinh nghiệm và kiến thức để cho đi sau đó.
#2. Bạn có xu hướng muốn chia sẻ thông tin, kiến thức và truyền cảm hứng tới người khác:
Một trong yếu tố quan trọng trong xây dựng thương hiệu cá nhân đó chính là chia sẻ. Bạn có nhiều thông tin, sức mạnh để hỗ trợ người khác nhưng bạn không hô to rằng, tôi có thể giúp bạn hay không nói cho người khác biết về mình thì bạn vẫn mãi chỉ chiếc bóng lặng im và không ai biết tới. Tuy nhiên, việc chia sẻ ở đối với Influencer còn mang tính thử thách và trường kỳ hơn nữa, bởi sức ảnh hưởng được xây dựng thông qua việc chia sẻ. Vì vậy, nếu bạn không tìm được niềm vui trong sự cho đi và hỗ trợ người khác thì khó có thể trụ lại được với công việc này.
#3. Có sức bền, khả năng chịu đựng tốt: Nói theo cách dân dã thì đây còn gọi là sức “lì”.
Lì theo đuổi mục tiêu và kế hoạch hành động là một trong điều rất quan trọng với người Influencer. Bởi từ khi bạn bắt tay và hành động cho tới khi tạo được vòng tròn ảnh hưởng nhỏ nhất có thể mất từ vài tuần cho tới vài tháng, thậm chí vài năm. Tôi biết đã có người viết và chia sẻ miệt mài trong 3 năm để có con số follower mà mình mong muốn. Hoặc tôi cũng đã viết miễn phí không ngừng nghỉ trong 1 năm để có một bước tiến đầu tiên với tư cách là diễn giả.
Trong hành trình đó, bạn sẽ gặp khó khăn, bạn sẽ nản chí và muốn từ bỏ, lúc này sức bên là thứ giúp bạn đi tiếp để đạt kết quả mà mình mong muốn. Ngoài ta, sức bền ở đây là khả năng chịu đựng được duy trì trong thời gian khó khăn hoặc một tình huống căng thẳng. Bởi khi đã “lộ diện” bạn sẽ không chỉ chịu áp lực của công việc mà còn áp lực từ công chúng nữa, bạn sẽ có thể bỏ cuộc ngay sau khi nhìn thấy một yêu cầu vô lý hoặc bình luận phản biện từ độc giả nếu không có khả năng này.
#4. Bạn có khả năng giao tiếp, truyền tải thông điệp tốt và rõ ràng:
Như đã đề cập, là một Influencer là bạn đang làm công việc của người chia sẻ. Và tất nhiên sẽ chẳng có ai hứng thú hoặc kiên nhẫn với một người mang tới những thông điệp không rõ ràng, viết lách lủng củng, nói chuyện lan man, không đúng trọng tâm. Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc, bạn cũng sẽ phải giao tiếp và trao đổi với đối tác về dự án, chiến dịch tiếp thị, nếu bạn ngại giao tiếp hoặc không có khả năng ăn nói tốt, bạn rất có thể mất thế chủ động trong cuộc đàm phán, thậm chí gây nên mâu thuẫn.
#5. Bạn có khả năng sáng tạo:
Một Influencer luôn mang tới điều mới mẻ sẽ kích thích sự hứng thú và khiến người theo dõi không bao giờ cảm thấy nhàm chán, luôn hứng khởi mỗi khi bạn xuất hiện. Sự sáng tạo ở đây có thể là một ý tưởng mới, một góc tiếp cận mới, nhưng cũng có thể là một sự thay đổi hoặc tái chế. Nó giống như việc bạn không thể ăn bánh mì bơ chấm sữa hàng ngày, thay vào đó bạn chủ động thay đổi thêm bớt các loại nguyên liệu khác để biến món bánh mì bơ sữa thành bánh mì kẹp thịt, bánh mì sốt vang, hấp dẫn và khác biệt.